Với 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết, Việt Nam đã gần như thiết lập được quan hệ thương mại với hầu hết các thị trường quan trọng trên thế giới. Trong đó, có những FTA mang ý nghĩa lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Với 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết, Việt Nam đã gần như thiết lập được quan hệ thương mại với hầu hết các thị trường quan trọng trên thế giới. Trong đó, có những FTA mang ý nghĩa lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Hội thảo tổng kết 2 năm thực thi EVFTA và Báo cáo “Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF mới đây cho thấy rất nhiều kết quả tích cực sau 2 năm thực hiện EVFTA. Báo cáo này dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước và Nghiên cứu rà soát đánh giá các văn bản pháp luật thực thi EVFTA trong 2 năm qua.
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU 2 năm đầu thực thi (tháng 8-2020 đến tháng 7-2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn trước.
Ngoài ra, tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, trong 2 năm thực thi hiệp định này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...).
Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao sang thị trường EU trong giai đoạn này như: nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện (tăng trên 15%)... Khảo sát cũng cho biết, gần 41% cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA (nguồn: VCCI).
Tương tự, với CPTPP, theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43 % so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam...
Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí số 1 trong các nước thành viên CPTPP với kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỷ USD, tăng 13,39% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,70% tỉ trọng xuất khẩu trong các nước CPTPP và chiếm 6,18% trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Thời gian tời, các nước thành viên CPTPP có nhu cầu tiêu thụ lớn đối với các mặt hàng như: dệt may, da giày, đồ gỗ và nông - thủy sản, đây đều là những mặt hàng chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam nên có nhiều lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, các thị trường này cũng có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng mới như: dây cáp điện, các thiết bị điện nhỏ; sản phẩm cao su, sản phẩm nhựa gia dụng, túi nhựa và đồ chơi; sản phẩm giấy và carton; trang sức; cửa nhôm và cửa sổ cuốn; dược - mỹ phẩm hữu cơ và dầu thơm (nguồn: Tổng cục Hải quan).
Các số liệu trên cho thấy, chỉ từ 2 FTA quan trọng, xuất khẩu của Việt Nam đã hưởng lợi khá nhiều. Do đó, trong thời gian tới, FTA vẫn được cho là đòn bẩy hiệu quả nhất cho xuất khẩu, đặc biệt là khi những khó khăn đặc thù do dịch bệnh Covid-19 và tác động của xung đột Nga - Ukraine qua đi.
Vi Lâm