Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2022. Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2022 tăng 0,39% so với tháng trước. So với tháng 12-2021, CPI tháng 11-2022 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,37%.
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2022. Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2022 tăng 0,39% so với tháng trước. So với tháng 12-2021, CPI tháng 11-2022 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,37%.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của cả năm 2022 đang gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, 4% hay 5% có lẽ không phải là áp lực quá lớn bởi chỉ số này vẫn đang ở mức chấp nhận được, thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động vốn của các ngân hàng hiện nay.
Tuy nhiên, những khó khăn dồn lên doanh nghiệp, người lao động đang tạo áp lực vô hình lên thị trường, và do đó sức mua hàng hóa Tết 2022 đang là một ẩn số. Hiện tại, làn sóng sa thải người lao động tại các quốc gia lớn trên thế giới cùng với lạm phát tăng mạnh khiến người tiêu dùng nhiều nước cắt giảm chi tiêu, chủ yếu chỉ cho những mặt hàng thật sự cần thiết.
Sức mua giảm khiến các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp giảm, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tính đến chuyện cắt giảm lao động. Ngay tại Đồng Nai, Sở LĐ-TBXH cho biết, do tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, từ tháng 6-2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều thách thức trong việc giữ đơn hàng xuất khẩu và giữ việc làm cho người lao động.
Theo đó, khảo sát tại 284 doanh nghiệp, đã có 227 doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm doanh thu, quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, trong đó các lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, giày da… chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có hơn 22 ngàn người lao động bị cắt giảm, 48 ngàn người lao động giảm giờ làm, 9 ngàn người lao động được trả lương ngừng việc, 1 ngàn người lao động được thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động. Dự báo tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý I-2023 vì suy thoái chung của toàn cầu. Tại Việt Nam, không chỉ Đồng Nai mà các địa phương khác như: Bình Dương, Long An, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều thách thức.
Tình hình khó khăn chung về đơn hàng, việc làm, cộng với việc thị trường bất động sản gặp khủng hoảng đã khiến sức mua hàng dịp Tết trở thành một “ẩn số” khó đoán. Kinh nghiệm cho thấy, khi thị trường gặp khó khăn, sức mua hàng Tết giảm mạnh ngay, bởi rất nhiều mặt hàng Tết không phải dạng “hàng thiết yếu”. Kinh tế khó khăn, người dân sẽ giảm chi tiêu với những hàng hóa mang tính “ăn chơi” như: quà tặng, bánh kẹo, hàng trang trí…
Hiện tại, doanh nghiệp, tiểu thương, hệ thống bán lẻ… đang tất bật trữ hàng bán Tết. Các loại nông sản như trái cây hay sản phẩm chăn nuôi cũng đang trong trạng thái sẵn sàng tung ra thị trường dịp Tết. Tuy nhiên, nếu tình hình lương, thưởng Tết, việc làm của người lao động tiếp tục gặp khó khăn trên diện rộng, sức mua hàng Tết dự báo sẽ không cao.
Vi Lâm