"Nghỉ Tết 30 ngày" đang là cụm từ được nhiều tờ báo nhắc đi nhắc lại trong tuần qua, xuất phát từ thông tin một số doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu tại Đồng Nai, Bình Dương đang bị thiếu đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu ở châu Âu và một số quốc gia khác giảm mạnh.
“Nghỉ Tết 30 ngày” đang là cụm từ được nhiều tờ báo nhắc đi nhắc lại trong tuần qua, xuất phát từ thông tin một số doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu tại Đồng Nai, Bình Dương đang bị thiếu đơn hàng do nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường xuất khẩu ở châu Âu và một số quốc gia khác giảm mạnh.
Ảnh minh họa: V.Gia |
Tại Đồng Nai, các DN bị sụt giảm đơn hàng mạnh nhất và có công bố chính thức chủ yếu ở các ngành sản xuất gỗ, hàng nội thất… xuất khẩu. Tại TPHCM, hàng chục DN cũng vừa báo cáo sụt giảm đơn hàng. Theo đó, nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất tập trung vào các ngành hàng như nữ trang, thời trang cao cấp.
Trên Báo Lao Động, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28 ngàn người. Đối với số liệu lao động bị giảm giờ làm, thống kê có khoảng 240 ngàn lao động bị giảm giờ làm. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9-2022, có khoảng 70 ngàn người.
Theo đó, người lao động khối ngành điện tử, dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kỳ vọng sang năm 2023 tình hình kinh tế sẽ có nhiều điểm sáng, tác động tích cực đến tình hình lao động việc làm; DN có thêm đơn hàng, tuyển thêm lao động.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân các DN giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn. Ngoài ra, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến việc giảm bớt các đơn hàng trong các DN. Đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng ở nhiều thị trường cũng được xem là nguyên nhân chính khiến đơn hàng xuất khẩu nhiều ngành, nghề sụt giảm mạnh.
Ở trong nước, DN cũng đang rất khó khăn khi lãi suất tăng liên tục, nguồn cung tín dụng gặp khó, thanh khoản từ các kênh khác như bất động sản, trái phiếu cũng rất khó. Chưa kể vốn đầu tư công chậm giải ngân, lợi nhuận nhiều ngành hàng như: sản xuất gỗ, thép, xăng dầu… sụt giảm mạnh gây ảnh hưởng dây chuyền. Một số chủ DN cho biết họ “cảm nhận” suy giảm kinh tế đang đến khá gần. Phía người tiêu dùng cũng đang thắt chặt chi tiêu và một số ngành hàng tiêu dùng cũng đang cân nhắc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Trong khi đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ về lãi suất gần như không có mấy tác dụng trên thực tế. Chính vì vậy, DN thuộc nhiều ngành, nghề đang kỳ vọng những điều chỉnh về vĩ mô sẽ nhanh nhạy hơn, sát với thực tế hơn trong thời điểm khó khăn này.
Vi Lâm