Vay tiền "tín dụng đen" trong công nhân lao động đã và đang là thực trạng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt sau tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân mất việc làm, thu nhập giảm sút.
Vay tiền “tín dụng đen” trong công nhân lao động đã và đang là thực trạng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt sau tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhiều công nhân mất việc làm, thu nhập giảm sút. Để duy trì cuộc sống hằng ngày, chờ đợi một cơ hội công việc, thu nhập ổn định hơn, nhiều công nhân đã tìm đến “tín dụng đen” để có ngay một khoản tiền vay dễ dàng, không bị ràng buộc bởi các thủ tục phức tạp hay mất thời gian chờ đợi.
Không ít công nhân dù chỉ vay số tiền 5-10 triệu đồng nhưng không ngờ rằng, lãi mẹ đẻ lãi con và trong thời điểm khó khăn, xoay trở để trả lại khoản tiền vay khá mệt mỏi. Chưa kể, khi không trả nợ đúng hẹn, người vay và cả người thân của họ thường xuyên bị những đối tượng lạ mặt gọi điện đe dọa, gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Thực tế đã xảy ra những vụ tự tử thương tâm liên quan đến việc vay “tín dụng đen” không có khả năng trả nợ dẫn đến túng quẫn, đường cùng tìm đến cái chết.
Không phải tất cả công nhân lao động khi tìm đến “tín dụng đen” đều không biết hậu quả khôn lường của nó, nhưng vì quá khó khăn, nhất là với những lao động xa quê, không có người thân, không tài sản thế chấp, họ đành nhắm mắt vay mượn để trang trải cuộc sống. Hơn nữa, do thiếu thông tin chính thống về những nguồn vay ưu đãi, lại e ngại thủ tục rườm rà, nhiều người đã bỏ qua những cơ hội được vay các kênh tín dụng uy tín, nghe theo quảng cáo từ tờ rơi, mạng xã hội… để đi vay “tín dụng đen”. Do đó, công tác tuyên truyền trong doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng nhằm cung cấp thông tin, kịp thời giúp cho người lao động hiểu và cân nhắc khi vay mượn từ bên ngoài. Quan trọng nhất vẫn là cần những mô hình tài chính vi mô và cơ chế để giúp người lao động không vướng vào bẫy “tín dụng đen”, dễ dàng tiếp cận với nguồn vay ưu đãi.
Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân cả nước mới đây, “tín dụng đen” là một trong những nội dung được người lao động đề cập khá nhiều và mong muốn Chính phủ cùng các cơ quan chức năng vào cuộc để không còn xảy ra tình trạng công nhân lao động cùng quẫn vì không có khả năng trả nợ. Bởi thực tế, dù thời gian qua, các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Công đoàn cơ sở, đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ, song những kênh trợ giúp vẫn còn khá ít, chưa đáp ứng hết nhu cầu của người lao động. Do đó, việc mới đây, cam kết của Ngân hàng Nhà nước trong việc xóa sổ “tín dụng đen” được người lao động đặc biệt mong đợi.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kích hoạt gói vay 20 ngàn tỷ đồng cho công nhân lao động trong khu công nghiệp. Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm. Số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày. Để nguồn vay này đến được với công nhân, Công đoàn cơ sở cần nâng cao vai trò để giúp các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ nhanh chóng tiếp cận công nhân, cho vay đúng đối tượng và mục đích sử dụng.
Minh Ngọc