Một trong những vấn đề làm "nóng" nghị trường Quốc hội trong mấy ngày qua là giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, liên tục lập kỷ lục và đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ lên cao, dẫn đến nguy cơ lạm phát chực chờ.
Một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong mấy ngày qua là giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, liên tục lập kỷ lục và đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ lên cao, dẫn đến nguy cơ lạm phát chực chờ.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 5 đã tăng 0,38% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ một nhóm hàng giảm giá.
Tính chung từ cuối năm 2021 đến nay, CPI cả nước đã tăng tổng cộng 2,48%, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tại Đồng Nai, thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 5-2022 cũng tăng 0,39% so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông là nhóm có chỉ số giá cao nhất (tăng 2,5%); tiếp theo là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,01%. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số CPI đã tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhiều nhóm hàng hóa tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới thời gian qua. Tính chung so với đầu năm, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 27,26% và tăng gần 50% so với cùng kỳ. Ngoài giá xăng dầu tăng cao, từ đầu năm đến nay giá gas cũng tăng gần 27%. “Soi” lại năm 2021, có thể thấy chỉ số CPI chỉ tăng 1,84% so với năm 2020. Tốc độ tăng CPI bình quân các năm tính từ năm 2016-2021 so với năm trước cũng khá thấp, lần lượt là: 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79%; 3,23%; 1,84%.
Như vậy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân cả nước đã tăng 2,48%, gần bằng mức tăng của cả năm 2016; 2019 và cao hơn mức tăng của cả năm 2021. Thực tế, giá thực phẩm, giá dịch vụ trên thị trường đã tăng vùn vụt suốt mấy tháng qua và đang đe dọa sự ổn định cuộc sống của nhiều gia đình. Các mặt hàng như: gas bán lẻ, dầu ăn, gạo, mì… đều đang tăng mạnh.
Tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ lo lắng mục tiêu kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ bị ảnh hưởng do giá cả tăng quá mạnh. Chưa kể, các kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, các đại biểu kiến nghị cần xem xét, thực hiện cấp bách việc giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường… để kìm giá xăng dầu, góp phần chặn đà lạm phát.
Vi Lâm