Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao để trào lưu không sớm lụi tàn?

07:05, 24/05/2022

Sống xanh, tiêu dùng xanh, mua sắm thông minh, tẩy chay bịch ny-lông, loại bỏ đồ nhựa dùng một lần, gói rau bằng lá chuối, dùng ống hút bằng gạo... là những trào lưu về tiêu dùng, lối sống khá phổ biến trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sức sống và sự bền vững của những trào lưu này cho đến nay vẫn là chuyện đáng bàn.

Sống xanh, tiêu dùng xanh, mua sắm thông minh, tẩy chay bịch ny-lông, loại bỏ đồ nhựa dùng một lần, gói rau bằng lá chuối, dùng ống hút bằng gạo... là những trào lưu về tiêu dùng, lối sống khá phổ biến trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, sức sống và sự bền vững của những trào lưu này cho đến nay vẫn là chuyện đáng bàn.

Đầu tiên phải khẳng định, mục đích và ý nghĩa hướng tới của những trào lưu nói trên là rất tốt. Xuất phát từ ý thức trách nhiệm của chính mình trong cuộc sống hằng ngày, trong đời sống tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ theo đà tăng của mọi nền kinh tế. “Không ai ngoài cuộc” là tư duy đúng đắn, bởi chỉ khi người tiêu dùng đòi hỏi và có thái độ rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ môi trường thì những người sản xuất, kinh doanh mới có ý thức chuyển động theo, bằng cách hạn chế rác thải nhựa, sử dụng nguyên vật liệu dễ phân hủy trong quá trình kinh doanh, sản xuất.

Song đáng buồn là trào lưu thì nhiều, nhưng vẫn chỉ nằm trong quy mô nhỏ hẹp, ngắn ngủi, với một bộ phận những người tiêu dùng có tư duy phần nào “tân tiến”, chưa thể lan truyền rộng rãi và chưa thể trở thành nền tảng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vậy vì sao những trào lưu này dù rất tốt, rất ý nghĩa nhưng lại không đủ sức sống lâu? Cần những gì để “nuôi sống” những trào lưu này và biến chúng trở thành thói quen trong sản xuất, tiêu dùng, thành động lực của mọi nhà sản xuất?

Có lẽ câu trả lời không đơn giản chỉ dừng ở mong muốn của một vài nhóm người, mà đòi hỏi những giải pháp sâu sắc, căn cơ hơn: phải giải quyết được câu chuyện cạnh tranh, chi phí và ý thức.

Thực tế, để một người bán tạp hóa hay một cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa, siêu thị, đồ ăn thức uống... chuyển từ sử dụng bịch ny-lông sang các loại túi đựng, ống hút, hộp đựng thân thiện với môi trường một cách lâu dài thì điều đầu tiên có lẽ là phải có nguồn cung ứng các loại vật dụng đó lâu dài, ổn định với giá rẻ hoặc ít nhất là bằng với giá họ mua túi ny-lông và vật dụng nhựa thân thiện với môi trường. Giả sử mua một chiếc ống hút “sinh thái” làm từ gạo, từ cây cỏ... mà đắt đỏ hơn ống hút nhựa khiến chi phí và giá cả đội lên thì khó có cơ sở nào đeo đuổi lâu được, dù họ vẫn muốn tham gia bảo vệ môi trường.

Tương tự, với các nhà sản xuất cần đến các giải pháp, vật liệu thay thế đáp ứng được những tiêu chí như: rẻ, tiện lợi, dễ mua, dễ bảo quản... thì mới có thể khuyến khích được sự thay đổi lâu dài trên diện rộng. Những trào lưu như ống hút cỏ bàng, gói rau bằng lá chuối cũng vì thiếu tính ổn định, giá cả đắt, thiếu tiện lợi mà thành “sớm nở tối tàn”.

Và sâu xa hơn, Nhà nước cần rất nhiều sự tính toán, hỗ trợ bằng nhiều cách (chính sách, chiến lược, tuyên truyền...) thì về lâu dài mới có thể giúp thay đổi tư duy từ gốc và nuôi sống những “trào lưu”.        

Vi Lâm

Tin xem nhiều