Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế xanh là trách nhiệm của ai?

11:05, 02/05/2022

Từ năm 2009, Chính phủ đã triển khai chương trình Nhãn xanh sinh thái trên phạm vi toàn quốc với mục đích cải thiện môi trường sống của con người thông qua việc giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, giảm thiểu các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.

Từ năm 2009, Chính phủ đã triển khai chương trình Nhãn xanh sinh thái trên phạm vi toàn quốc với mục đích cải thiện môi trường sống của con người thông qua việc giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, giảm thiểu các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Chương trình này còn được gọi là chương trình Nhãn xanh Việt Nam và để được dán nhãn xanh Việt Nam lên sản phẩm, các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các tiêu chí sau: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và lao động của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tác động của toàn bộ vòng đời sản phẩm từ quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại. Tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam sẽ được xét và cấp tương ứng cho từng nhóm sản phẩm do Bộ TN-MT công bố. Đến nay, trong hệ thống chứng nhận sản phẩm xanh trong nước đã có nhiều chủng loại, từ thực phẩm đến hàng may mặc, máy móc, vật liệu xây dựng… và ngày càng đa dạng hơn, phủ sóng hầu như mọi ngành nghề.

Đồng thời với chương trình này, từ mười mấy năm nay, Chính phủ và các địa phương liên tục thiết kế và ban hành các chính sách, cơ chế để khuyến khích DN chuyển đổi sang sản xuất xanh, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang ưu tiên các sản phẩm xanh nhằm đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái cho cả hiện tại và tương lai.

Thông qua đó, khái niệm “nền kinh tế xanh” ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi và đặc biệt ở thời kỳ “hậu Covid-19”, những động lực thúc đẩy kinh tế xanh ngày một rõ nét hơn. Kinh tế xanh không phải là một khái niệm riêng rẽ mà thực tế nó bao gồm các thành tố là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, đầu tư xanh, cơ chế chính sách xanh.

Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, còn để chuyển đổi sang kinh tế xanh một cách toàn diện, đòi hỏi mỗi thành tố trong đó phải có sự thích nghi, thay đổi trước. Tại diễn đàn Kinh tế xanh 2022 - thích ứng và phát triển hậu đại dịch Covid-19 với chủ đề Sống xanh - tiêu dùng xanh, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào cuối tháng 4-2022 vừa qua, nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề về việc thành tố nào và ai mới là người chịu trách nhiệm chính cho sự chuyển đổi này.

Thực tế, 3 yếu tố quyết định một nền kinh tế có chuyển đổi sang “xanh” được hay không, có lẽ vẫn là: yêu cầu của người tiêu dùng trước mức độ “xanh” của sản phẩm; ý thức của DN trong quá trình đầu tư xanh hóa sản phẩm và những chính sách được thiết kế cho việc xanh hóa nền kinh tế phải thực sự hiệu quả.

Với người tiêu dùng, có lẽ họ cần khắt khe hơn trong việc xác định sản phẩm nào là xanh và ưu tiên mua chúng trong các mặt hàng cùng loại. Với DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường, được gắn nhãn xanh Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Các ưu đãi này sẽ khuyến khích DN tích cực trong việc gắn nhãn sinh thái trên các sản phẩm của mình tạo ra lợi ích kép cho DN. Các chính sách này cũng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong sự chuyển đổi này, thông qua sự rà soát, cập nhật liên tục để chính sách không bị lỗi thời và trở nên thực sự hiệu quả hơn.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều