Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi lớn đến hoạt động sản xuất, kinh tế trên toàn thế giới, cùng với đó sự cạnh tranh gay gắt của nhiều quốc gia. Những biến cố bất thường ấy buộc các nước điều chỉnh chiến lược thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho phù hợp với bối cảnh mới.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi lớn đến hoạt động sản xuất, kinh tế trên toàn thế giới, cùng với đó sự cạnh tranh gay gắt của nhiều quốc gia. Những biến cố bất thường ấy buộc các nước điều chỉnh chiến lược thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho phù hợp với bối cảnh mới. Không nằm ngoài xu thế chung, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã và đang có những thay đổi.
Có thể khẳng định, nguồn vốn FDI đã tác động tích cực đến bộ mặt của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam từng bước trở thành một nước năng động, hội nhập sâu sắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình đó, kết quả thu hút đầu tư vẫn còn những hạn chế. Tại diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 “Kết nối Địa phương - Doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội” được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Đó là mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp; thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
Qua thời kỳ thu hút đầu tư theo chiều rộng, mục tiêu hiện nay của nước ta là siết chặt thu hút đầu tư, lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ và nhu cầu xây dựng chuỗi liên kết cho sản xuất, tạo cơ hội cho DN trong nước có thể hợp tác cung ứng phụ tùng, linh kiện. Hiện Việt Nam đang xây dựng đề án Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong 1 thập kỷ tới, dòng vốn FDI vẫn sẽ là nhân tố để thúc đẩy doanh thu xuất khẩu và tạo tác động tích cực đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, nhưng chất lượng của dự án FDI sẽ phải thay đổi để phù hợp mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đó là nhiệm vụ rất rõ ràng nhưng cũng đầy thách thức. Hơn lúc nào hết, chính sách mới cần thiết phải ưu tiên hình thành và phát triển cụm liên kết ngành để tạo dựng mạng sản xuất, chuỗi giá trị giữa DN FDI và DN Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ và sức cạnh tranh của DN Việt. Chỉ khi được tạo điều kiện kết nối thì các DN Việt mới có thể tìm thấy cơ hội và vươn lên lớn mạnh được. Ngược lại, việc kết nối chặt chẽ giữa FDI với DN trong nước cũng chính là yếu tố để “nâng chất” thu hút đầu tư, tạo vị thế và thương hiệu Việt Nam đối với các nhà đầu tư lớn nước ngoài.
Văn Gia