Những ngày đầu tháng 8, cảng Cát Lái (TP.HCM) quá tải vì hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) lưu kho quá lâu do phải tạm ngưng sản xuất, buộc cảng phải hạn chế nhận một số chủng loại hàng hóa để giảm tải. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cũng như dịch vụ xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, vì đây là cảng chính, sầm uất nhất khu vực phía Nam.
Những ngày đầu tháng 8, cảng Cát Lái (TP.HCM) quá tải vì hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) lưu kho quá lâu do phải tạm ngưng sản xuất, buộc cảng phải hạn chế nhận một số chủng loại hàng hóa để giảm tải. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cũng như dịch vụ xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, vì đây là cảng chính, sầm uất nhất khu vực phía Nam. Sự kiện này một lần nữa cho thấy ngành dịch vụ Logistics của Việt Nam cần tăng cường tính kết nối về giá trị, tạo thành chuỗi liên kết để tránh đứt gãy khi có sự cố xảy ra.
Ở Việt Nam, trung tâm logistics đã bắt đầu được chú trọng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... rồi có xu hướng lan rộng. Tuy nhiên, sự kết nối giữa các trung tâm logistics với nhau vẫn còn chưa liền mạch, các trung tâm phân mảnh và chưa được nhận diện rõ trong mạng lưới chuỗi cung ứng địa phương, vùng kinh tế, khu vực và cả nước. Khi cảng Cát Lái bị ảnh hưởng, ngay lập tức sẽ tác động lên hàng loạt doanh nghiệp và rộng hơn là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả khu vực. Vấn đề nghiêm trọng đến mức Bộ Công thương, Bộ GT-VT và TP.HCM cũng như chủ đầu tư là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phải phối hợp để tìm cách giải quyết.
Cũng may đây là đơn vị có hệ thống chuỗi cảng ở TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có thể san sẻ bớt phần việc nội khối cho nhau nên tình hình được ổn định lại sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu sự cố lớn hơn, đồng loạt nhiều đơn vì bị ảnh hưởng thì tình hình cũng sẽ phức tạp hơn nhiều.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong việc phát triển ngành Logistics của khu vực nói chung và các tỉnh nói riêng, cần có những hỗ trợ từ Nhà nước về các cơ chế, chính sách cũng như hoàn thiện việc kết nối về hạ tầng giao thông. Các tỉnh, thành cần kết nối chặt chẽ với nhau, bổ trợ nhau để hình thành đầu mối, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước và thu hút được sự quan tâm sử dụng dịch vụ của nước ngoài.
Riêng với Đồng Nai, lợi thế lớn là hệ thống hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp rất lớn tạo ra thị trường lớn, đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics. Đặc biệt, hệ thống đường bộ lớn cùng sân bay quốc tế Long Thành sẽ là trung tâm kết nối trong tương lai. Bài toán xây dựng phương án kết nối dịch vụ logistics để cùng với TP.HCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… trở thành một mạng lưới dịch vụ logistics hiện đại vì thế lại vô cùng cần thiết.
Vương Thế