"Tôi chạy Grab được nửa năm nay rồi ông ạ" - lời nói chua chát ấy là của một chủ doanh nghiệp từng mở một số cửa hàng kinh doanh cà phê ở TP.Biên Hòa, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Số lượng quán của anh rơi rụng dần sau các đợt dịch, giãn cách xã hội và giờ chỉ còn 1 quán nhưng vẫn tiếp tục phải "đắp chiếu" chờ đợi dịch bệnh sớm qua đi.
“Tôi chạy Grab được nửa năm nay rồi ông ạ” - lời nói chua chát ấy là của một chủ doanh nghiệp từng mở một số cửa hàng kinh doanh cà phê ở TP.Biên Hòa, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Số lượng quán của anh rơi rụng dần sau các đợt dịch, giãn cách xã hội và giờ chỉ còn 1 quán nhưng vẫn tiếp tục phải “đắp chiếu” chờ đợi dịch bệnh sớm qua đi. Từ việc phải “chăm lo” cho hơn chục nhân viên trong hệ thống thì hiện tại anh đang phải lo cho mình từng bữa.
Đó cũng là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ ở khắp cả nước. Đại dịch Covid-19 đã quét qua và để lại ảnh hưởng nặng nề đối với đời sống kinh tế. Dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, triển khai những chính sách hỗ trợ nhưng nhìn nhận một cách khách quan, các chính sách đi vào cuộc sống chưa được nhiều.
Trên nghị trường của Quốc hội, nhiều đại biểu lo lắng khi trong đợt hỗ trợ lần đầu, gói 62 ngàn tỷ đồng năm ngoái thực hiện chưa kịp thời, khi mới giải ngân được 36% tổng mức dự kiến, dù đã triển khai được hơn 1 năm.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ đồng được thiết kế với nhiều nỗ lực cải tiến so với trước đây, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tiếp sức và trợ lực cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.
So với gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng trước đây bị cho là giải ngân chậm, hồ sơ lần này sẽ được tiếp nhận và giải quyết chỉ 1-2 ngày. Theo Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, tinh thần là phải rà soát, mạnh dạn cắt bỏ 60% thủ tục rườm rà, không cần thiết. Chấp nhận rủi ro, mạnh dạn cắt bỏ để làm sao tiền hỗ trợ nhanh nhất đến được người dân.
Các gói hỗ trợ nói trên được coi là những chính sách đặc biệt, khẩn cấp là cần thiết để ứng phó với đại dịch Covid-19. Bức tranh doanh nghiệp thêm xám màu khi mà dịch bệnh đã ăn mòn hết mức sức chống chịu, khả năng tích lũy, người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp người dân khác đang hết sức lao đao. Do vậy, hàng triệu lao động mất việc cũng như các doanh nghiệp mong mỏi nhất ngay lúc này là tiếp cận được gói hỗ trợ một cách sớm nhất để trụ vững trong thời dịch bệnh.
Nhưng để không chậm trễ đi vào cuộc sống như các chính sách vốn có thì điều cần thiết là sự quyết liệt và chủ động của các địa phương và cơ quan chức năng trong việc đẩy nhanh gói hỗ trợ, làm sao chi đúng đối tượng, đừng để những thủ rục rườm rà, vướng mắc vô lý làm lỡ cơ hội hồi phục.
Văn Gia