Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, việc kết nối giao thương, tìm đầu ra cho các sản phẩm trong nước, nhất là các sản phẩm địa phương cần được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp. Trong đó, hoạt động kết nối giao thương trực tuyến là một trong những giải pháp cần chú trọng, lưu ý.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, việc kết nối giao thương, tìm đầu ra cho các sản phẩm trong nước, nhất là các sản phẩm địa phương cần được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp. Trong đó, hoạt động kết nối giao thương trực tuyến là một trong những giải pháp cần chú trọng, lưu ý.
Giữa tháng 1 vừa qua, Thông tư 40/2020/TT-BCT (Thông tư 40) ngày 30-11-2020 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2019/TT-BCT ngày 30-7-2019 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Thông tư 40 quy định nội dung thực hiện, quy mô, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng khu vực trưng bày, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia gian hàng của các hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng…
Thông tư này góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu theo hướng kết hợp trực tuyến, trực tiếp giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác và thị trường xuất khẩu ngay tại “sân nhà” với chi phí tiết kiệm.
Tuy nhiên, để thông tư này nói riêng và hoạt động xúc tiến thương mại nói chung phát huy hiệu quả cao, thì vẫn cần thêm sự chủ động và tích cực từ phía các doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, chứ chưa nói đến các hình thức kết nối giao thương trực tuyến.
Có trường hợp doanh nghiệp tham gia xúc tiến theo kiểu “ăn xổi”, tham gia chủ yếu với mục đích bán hàng, ít đầu tư về khâu quảng bá, tìm kiếm bạn hàng lâu dài cũng như nghiên cứu thị trường; hoặc trông chờ quá nhiều vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin sản phẩm, phương pháp tiếp thị, quảng bá để thu hút sự quan tâm của thị trường nên thường bị động, thiếu tính chuyên nghiệp, cũng như chưa triển khai công tác tham vấn khách hàng về sản phẩm để cải tiến, bám sát nhu cầu của khách hàng… Điều này vô hình trung khiến cho hoạt động kết nối, quảng bá sản phẩm với các thị trường mới, tiềm năng vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn; số lượng doanh nghiệp tham gia các hoạt động này chưa đúng như kỳ vọng.
Do đó, bên cạnh những chính sách, chương trình hỗ trợ sát sườn hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng và địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thì bản thân các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động này để nắm lấy cơ hội, phát huy những thế mạnh, sản phẩm chủ lực của mình. Từ đó, chuẩn bị các phương án kết nối phù hợp, linh hoạt để mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm bạn hàng mới trước xu thế hội nhập và bối cảnh “bình thường mới” như hiện nay.
Lam Phương