Báo Đồng Nai điện tử
En

''Tứ giác kinh tế'' chờ nối những nhịp cầu

08:11, 02/11/2020

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã được coi là tứ giác kinh tế phát triển sôi động nhất cả nước. Mặc dù vậy, theo nhiều đánh giá, khi so sánh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của đất nước, việc kết nối giao thông liên vùng chưa thực sự nổi trội, nhất là số lượng những cây cầu bắc qua sông Đồng Nai còn ít.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã được coi là tứ giác kinh tế phát triển sôi động nhất cả nước. Mặc dù vậy, theo nhiều đánh giá, khi so sánh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của đất nước, việc kết nối giao thông liên vùng chưa thực sự nổi trội, nhất là số lượng những cây cầu bắc qua sông Đồng Nai còn ít.

Là con sông lớn nhất của khu vực, tương tự như sông Hồng ở miền Bắc, nhiều năm qua, TP.HCM và Đồng Nai, Bình Dương cũng như các bộ, ban ngành tính toán cần xây dựng thêm nhiều cây cầu kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của mỗi địa phương mà cho cả khu vực Đông Nam bộ. Thực tế thì hiện nay, việc nối nhịp qua sông Đồng Nai mới chỉ dừng lại ở một vài cây cầu trọng yếu như cầu Đồng Nai, Hóa An và cầu Long Thành trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài dự án cầu Phước Khánh trên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang “đắp chiếu” vì thiếu vốn cho các nhà thầu và kiến nghị xem xét gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2024 thì những cây cầu khác vẫn trong vòng chờ đợi.

Đặc biệt, cầu Cát Lái, được kỳ vọng suốt gần 20 năm nay, hiện cũng mới đang ở bước thương thảo. Cầu Cát Lái trước đây dự kiến khởi công trong năm 2020, nhưng nay thì năm 2020 cũng sắp kết thúc. Tiếp nữa là cầu Nhơn Trạch trên dự án đường Vành đai 3 kết nối Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai, cầu Phước An nối Đồng Nai với Nhơn Trạch, cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương với Đồng Nai và cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mở rộng... Tất cả những dự án này đều đang nghiên cứu hoặc chuẩn bị khởi công nên cũng phải chờ đợi.

Nhưng sự phát triển kinh tế thì không chờ đợi được sự phát triển đồng bộ của hạ tầng, đây chính là “điểm nghẽn” đã được chỉ ra trong những năm qua. Đặc biệt, khi có sân bay quốc tế Long Thành thì những tuyến đường kết nối liên khu vực, những cây cầu nối nhịp bờ sông lại càng cấp thiết được triển khai nhanh.

Vùng Đông Nam bộ với TP.HCM là đầu tàu cùng với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành tứ giác kinh tế đóng góp tỷ trọng ngân sách lớn nhất cả nước cần phải được đầu tư đúng mức. Khi triển khai được các dự án cầu đường kết nối quan trọng, tự khắc các đô thị vệ tinh quanh TP.HCM sẽ phát triển vượt bậc và nhờ vậy, những áp lực về quá tải hạ tầng của thành phố và các tỉnh lân cận được gỡ bỏ, tạo lực phát triển mới mạnh mẽ hơn.              

Văn Gia

Tin xem nhiều