Ngày 15-11 vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 được Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 tổ chức. Hiệp định này đặt ra nhiều kỳ vọng, là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới mang lại lợi ích lớn cho tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Ngày 15-11 vừa qua, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức ký kết trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 được Việt Nam - Chủ tịch ASEAN 2020 tổ chức. Hiệp định này đặt ra nhiều kỳ vọng, là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới mang lại lợi ích lớn cho tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
ASEAN 37: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Kinh tế Đối tác toàn diện khu vực - RCEP. |
RCEP có 15 thành viên gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định được ký kết sẽ tạo ra một thị trường quy mô 3,5 tỷ người tiêu dùng với doanh thu 49 ngàn tỷ USD, chiếm gần 40% GDP toàn cầu.
Đây sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với cam kết về mở cửa thị trường trên lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đầu tư, đơn giản thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa tạo thuận lợi cho thương mại của các nước cùng tham gia.
Trong thời gian qua, nhiều thành viên của RCEP là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Đồng Nai như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... Do đó, khi RCEP được ký kết sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh có nhiều điều kiện mở rộng được thị trường, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu.
Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc đổi mới để cạnh tranh từ khâu xây dựng chuỗi cung ứng trong sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường đến những hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp địa phương vẫn đang “loay hoay” do gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu tính định hướng trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh…
Do đó, để đón đầu xu thế hội nhập, tận dụng những cơ hội từ RCEP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do nói chung, các doanh nghiệp cần luôn đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, hạn chế những thách thức, rủi ro phát sinh.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, phát triển, mở rộng thị trường, các ngành chức năng cần cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường.
Các sở, ngành, hiệp hội, Hội Doanh nghiệp trong tỉnh cần tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với các kênh kết nối, tổ chức xúc tiến thương mại trong khu vực và tham tán ở các nước, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, nhất là ở các nước là đối tác, thành viên của hiệp định.
Từ đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, xuất khẩu; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là đối với những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của Đồng Nai.
Lam Phương