Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất quý hơn lượng

08:11, 09/11/2020

Vậy là đã gần hết năm 2020 - dấu mốc mà trong những năm qua, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN) được thành lập. Tuy nhiên có thể nói, mục tiêu đó sẽ không đạt được.

Vậy là đã gần hết năm 2020 - dấu mốc mà trong những năm qua, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN) được thành lập. Tuy nhiên có thể nói, mục tiêu đó sẽ không đạt được.

Theo số liệu về đăng ký DN, tính đến ngày 31-12-2019 cả nước có 758,6 ngàn DN đang hoạt động. Trong 10 tháng của năm 2020 cả nước có gần 111,2 ngàn DN đăng ký thành lập mới và 37,7 ngàn DN quay trở lại hoạt động. Nhưng cũng trong cùng thời gian này có đến 85,6 ngàn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, tính ra hiện tại cả nước đang có gần 822 ngàn DN đang thực sự hoạt động/ 1 triệu DN mục tiêu.

Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 với mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Khu vực DN tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội… Nghị quyết này được ban hành vào thời điểm nền kinh tế đang tăng tốc mạnh, vai trò DN tư nhân được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn và được xem là động lực của sự phát triển. Từ đó, nhiều chương trình cải cách môi trường kinh doanh và xóa bỏ rào cản, thúc đẩy phát triển DN đã được ban hành và số lượng DN gia nhập thị trường năm sau đều tăng hơn so với năm trước.

Tuy nhiên, dưới những tác động khách quan, chủ quan như đã nói, mục tiêu 1 triệu DN có lẽ sẽ phải chờ thêm 1, 2 năm nữa. Mặc dù không đạt được mục tiêu nhưng đường lối, chính sách để hướng đến mục tiêu ấy rất đúng đắn, nhất là xét trên khía cạnh môi trường kinh doanh cho DN ngày càng được cải thiện một cách mạnh mẽ.

Thành lập được số lượng DN nhiều là quan trọng nhưng sự phát triển lâu dài, ổn định, nâng chất lượng, sức mạnh của cộng đồng DN có lẽ còn quan trọng hơn. Do đó, môi trường kinh doanh cho DN sau khi thành lập như thế nào mới là điều đáng bàn. Và công tác rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính sẽ càng phải được thúc đẩy triệt để hơn. Đặc biệt là cần hướng tới những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới, tạo thêm sức mạnh cho thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Điều này đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và có thể là cần phải có cách làm mới mẻ, sáng tạo hơn, đưa những quyết sách nhanh chóng đến được với DN. Về phần mình, DN cũng tự ý thức nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quản trị tốt để có thể cạnh tranh khi môi trường đầu tư kinh doanh rộng mở.

Vương Thế

Tin xem nhiều