Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tận dụng được ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA

10:10, 15/10/2020

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực chính thức từ ngày 1-8. Theo đó, thuế suất nhiều loại hàng hóa của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) đã được giảm về mức 0%, nhất là đối với các mặt hàng rau quả.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực chính thức từ ngày 1-8. Theo đó, thuế suất nhiều loại hàng hóa của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) đã được giảm về mức 0%, nhất là đối với các mặt hàng rau quả.

Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh đáng kể của trái cây Việt Nam so với các nước chưa có FTA với EU như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indônesia. Giữa lúc xuất khẩu gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, thuế suất giảm về % được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng như Đồng Nai ra thế giới. Đặc biệt, đối với Đồng Nai, địa phương được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại trái cây nhiệt đới phong phú với diện tích, sản lượng tương đối lớn.

Kỳ vọng là vậy nhưng trên thực tế, thuế suất giảm về 0% cũng chỉ là lợi thế ban đầu. Để tận dụng được cơ hội này, nông dân và doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, hàng rào kỹ thuật của EU (trong đó các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... ở thị trường EU thuộc loại khó tính nhất thế giới).

Nhìn rộng ra, không chỉ ở thị trường EU, khó khăn lớn dễ thấy là dù thuế có giảm rất mạnh ở nhiều thị trường thì nông sản Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu xứng tầm do việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Thực tế, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường. Đơn cử là các mặt hàng như: sữa, thịt heo, thịt gà, rau củ quả...

Muốn tận dụng được những lợi thế về thuế suất mà thuế suất ưu đãi mang lại, không cách nào khác phải nâng chất các mặt hàng nông sản của Việt Nam cả về chất lượng, số lượng lẫn sự tự tin, sẵn sàng đối mặt với những “bức tường” phòng vệ thương mại. “Bánh ít đi, bánh quy lại”, nước ngoài mở cửa cho thị trường Việt Nam thì Việt Nam cũng phải từng bước mở cửa thị trường cho DN nước ngoài. Đó là điều tất yếu trong quá trình phát triển, vấn đề quan trọng cần nhắc đến ở đây là ngoài nỗ lực tự thân của nông dân và DN thì vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước là phải làm sao cho nông sản Việt có thể đạt được các “chuẩn” khắt khe đó, để không lép vế cả sân nhà lẫn sân khách.

Văn Gia

Tin xem nhiều