72% doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở Việt Nam đang tìm hướng để chuyển đổi số trong hoạt động của mình, theo một nghiên cứu của Cisco Việt Nam - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp cho hệ thống mạng và các giải pháp bảo mật phục vụ DN.
72% doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa ở Việt Nam đang tìm hướng để chuyển đổi số trong hoạt động của mình, theo một nghiên cứu của Cisco Việt Nam - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp cho hệ thống mạng và các giải pháp bảo mật phục vụ DN. Con số này tăng vọt so với tỷ lệ 32% của năm 2019 và được coi là giải pháp để DN tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất, đưa sản phẩm, dịch vụ của mình tới người tiêu dùng.
DN nhỏ và vừa chiếm hầu hết số lượng DN của Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Các DN có mức độ chuyển đổi số cao chắc chắn sẽ thu lại được nhiều lợi ích về doanh thu và năng suất so với những DN vẫn còn thờ ơ với quá trình này.
Dịch Covid-19 cũng đã bắt đầu làm thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng. Mua sắm trực tuyến nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi để DN áp dụng các phương thức chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhìn một cách thực tế, việc chuyển đổi số chưa bao giờ là dễ dàng. Việc thiếu tầm nhìn và tư duy về chuyển đổi số cùng những thách thức trong văn hóa DN là trở ngại lớn nhất, tiếp theo là thiếu các công nghệ thiết yếu, thiếu hiểu biết về khách hàng và dữ liệu hoạt động...
Yêu cầu quan trọng để có thể chuyển đổi số là phải ứng dụng một cách đồng bộ. Trong khi đó, với các DN nhỏ và vừa, chuyển đổi số chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nghiệp vụ đơn giản, nhưng do nhân sự ít và yếu, ngân sách lại hạn chế nên khó triển khai các giải pháp tổng thể phức tạp. Ngoài ra, kinh phí có hạn nên rất khó để áp dụng các giải pháp từ nước ngoài mà đa phần thực hiện một cách chắp vá, từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau dẫn tới việc triển khai không đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa các bộ phận. Điều này đòi hỏi DN phải linh hoạt, thích nghi một cách sáng tạo, theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, đi dần từng bước, từng lĩnh vực từ dễ đến khó. Đơn cử như đối với các lĩnh vực kế toán, hóa đơn, liên thông với ngân hàng, rồi đến quản trị DN...
Nhưng muốn DN chuyển đổi số thành công thì cần có sự đồng hành đồng bộ từ bộ máy quản lý nhà nước. Hy vọng với Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 khi Chính phủ đặt ra những yêu cầu rất cao để hướng tới nền kinh tế số, từ Chính phủ tới các địa phương trong những năm tới sẽ thật sự đồng bộ, quyết liệt với bước đi vững chắc, lâu dài để đạt được mục tiêu này.
Văn Gia