Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa kết nối, một mục tiêu

11:09, 07/09/2020

Hiện nay tất cả các đường cao tốc, đường vành đai của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kể cả của TP.HCM, vẫn chưa thực hiện được so với quy hoạch các cấp đề ra.

Hiện nay tất cả các đường cao tốc, đường vành đai của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kể cả của TP.HCM, vẫn chưa thực hiện được so với quy hoạch các cấp đề ra. Thực tế, cả Đông và Tây Nam bộ mới chỉ có 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác nhiều năm và đều đã quá tải. Các tuyến đường cao tốc khác đã triển khai thì hoặc đang dang dở, “đắp chiếu” như Bến Lức - Long Thành hoặc chật vật vì vốn như Trung Lương - Mỹ Thuận, điều này gây ảnh hưởng lớn, làm nghẽn sự phát triển kinh tế chung cả vùng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, tình hình trên có thể sớm được giải quyết bởi hàng loạt tuyến đường cao tốc khu vực phía Nam đã được khởi động lại, mang theo kỳ vọng sớm kết nối mạng lưới hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ do dịch bệnh.

Khu vực Tây Nam bộ, dự kiến tháng 11 tới, đoạn đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được khởi công, tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện.

Đặc biệt sôi động là các địa phương vùng Đông Nam bộ, trong đó tâm điểm nhiều tuyến đường đều hướng về Đồng Nai, sân bay quốc tế Long Thành. Đó là dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được tính toán. Cuối tháng 9 sẽ khởi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km từ nguồn vốn ngân sách. Đối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đang thống nhất các nội dung liên quan giữa Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ GT-VT để chuẩn bị công tác đầu tư. Tiếp nữa, tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối với cao nguyên du lịch Đà Lạt cũng đang chuẩn bị chuyển động.

Tâm điểm của cả vùng thời gian tới sẽ là sự bứt tốc của hạ tầng, trong đó có sân bay quốc tế Long Thành, tâm điểm mà nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn hướng tới. Đa kết nối, một mục tiêu, hàng loạt dự án khởi động không chỉ kết nối, hóa giải các điểm nghẽn mà còn là động lực cho nền kinh tế khi gặp khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh hiện nay. Hàng ngàn tỷ đồng của các dự án được giải ngân vừa tạo việc làm cho doanh nghiệp, người lao động vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án này có thể tạo ra tác động cấp số nhân, tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp, tăng cường tính kết nối cơ bản, kích cầu cho các nhà thầu địa phương và thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy.

Vấn đề là, trong quá trình triển khai phải thật sự quyết liệt, minh bạch và phải có sự cộng hưởng, tránh những vấn đề mà các tuyến đường Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận đang gặp phải.          

Văn Gia


 

Tin xem nhiều