Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp do nữ làm chủ

09:08, 03/08/2020

Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam "Đánh giá của các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 12-2019 cho thấy, khu vực DN do nữ làm chủ chiếm gần 1/4 số lượng DN ở Việt Nam, nhưng nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa bình đẳng với khu vực còn lại.

Báo cáo kinh doanh tại Việt Nam “Đánh giá của các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào tháng 12-2019 cho thấy, khu vực DN do nữ làm chủ chiếm gần 1/4 số lượng DN ở Việt Nam, nhưng nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa bình đẳng với khu vực còn lại.

Theo báo cáo này, số liệu thống kê đến hết 9-2019, toàn quốc có hơn 285 ngàn DN do phụ nữ làm chủ, chiếm hơn 24% tổng số DN cả nước, và là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết DN trong mô hình này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Thực tế cho thấy, qua khảo sát DN do nữ làm chủ hiện nay cho thấy họ đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tìm kiếm khách hàng, sự biến động thị trường, nguồn vốn để đầu tư và tái đầu tư, tính minh bạch và điều kiện gia nhập thị trường…

Trong khi đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thì tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Nếu so sánh với chỉ tiêu trong chiến lược này thì con số 24% số DN do nữ làm làm chủ mà Việt Nam đang có là chưa đạt được.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thực tế hiện nay, nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực DN do nữ làm chủ vẫn chưa bình đẳng với khu vực DN còn lại. Dù Việt Nam có những quy định tiến bộ về bình đẳng giới và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã đặt ra nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ nhưng các quy định này còn chung chung. Do đó, việc tiếp cận các ưu đãi của doanh nhân nữ và việc thực hiện chính sách từ các cơ quan nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Không chỉ yếu thế hơn trong việc tiếp cận chính sách mà dù cho đã có nhiều nỗ lực để tự khẳng định mình thì doanh nhân nữ cũng còn phải đối mặt với nhiều rào cản vô hình khác từ xã hội, DN, gia đình và thậm chí là từ chính bản thân mình. Khi là nữ doanh chủ, họ sợ bị so sánh với nam giới, thiếu sự hỗ trợ và thấu hiểu từ gia đình, các định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong gia đình… khiến lãnh đạo nữ cảm thấy lo lắng và căng thẳng trong việc điều hành DN. Đó là những rào cản về kinh tế và xã hội thực sự cần phá vỡ để phụ nữ hiện thực hóa tiềm năng của mình.

Việc ban hành chính sách đã khó nhưng việc thực hiện để thực sự đi vào cuộc sống còn khó hơn. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, nhất là những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ nói chung, DN do nữ làm chủ nói riêng. Sự đánh giá của xã hội về vai trò của phụ nữ trong DN, và giá trị của DN do nữ làm chủ cũng phải thay đổi để tiến kịp với thế giới.

Văn Gia

Tin xem nhiều