Mới đây, câu chuyện một doanh nghiệp (DN) chia sẻ chi phí vận chuyển một container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, Việt Nam sang Nhật là 15 triệu đồng một lần nữa lại làm xôn xao dư luận.
Mới đây, câu chuyện một doanh nghiệp (DN) chia sẻ chi phí vận chuyển một container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, Việt Nam sang Nhật là 15 triệu đồng một lần nữa lại làm xôn xao dư luận.
Nhưng, câu chuyện này không phải là mới trong những năm qua, bởi chi phí về dịch vụ logistics của Việt Nam bấy lâu nay vốn dĩ được đánh giá là ở hàng cao nhất thế giới. Đến ngay cả Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong một hội nghị gặp gỡ DN vào năm 2017 đã từng phải “cảm than” rằng, chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Một nghịch lý như vậy thì làm sao DN Việt có thể cạnh tranh nổi với DN nước ngoài.
Trở lại thực tế thị trường logistics Việt Nam, phương thức vận chuyển chủ đạo hiện nay là đường bộ với chi phí quá cao. Nhiều DN cho rằng ngoài các loại phí cố định, phí cầu đường BOT còn cao hơn cả phí nhiên liệu cho cùng một quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí được đặt dày đặc. Hệ thống giao thông đường biển, đường thủy tuy có giá thành thấp nhưng những tuyến giao thông kết nối từ cảng, bến vào nhà máy, khu công nghiệp và những dịch vụ hậu cần liên quan lại còn rất yếu. Do vậy, dùng phương thức vận chuyển này có khi lại còn chịu nhiều chi phí phát sinh hơn, điều đó lại càng làm DN thêm khó khăn.
Ngay cả trong đội ngũ doanh nghiệp làm dịch vụ logistics thì chi phí vận tải và các dịch vụ hậu cần cho hàng hóa cao “chót vót” như thực tế đang tồn tại hiện nay cũng làm họ cảm thấy lo lắng. Tại Đồng Nai, các DN Việt tham gia dịch vụ logistics quy mô còn rất nhỏ, thị phần hầu như phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu và phần lớn doanh thu nằm ở trong tay các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các DN trong ngành Logistics nước ngoài mạnh từ đầu vào lẫn đầu ra nên những đơn hàng, đối tác lớn đều nắm trong tay, và do vậy đủ sức chi phối, quyết định giá cả của thị trường logistics. DN Việt vừa chịu cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài, vừa cạnh tranh nội bộ với nhau, càng làm cho dịch vụ logistics vừa yếu, vừa góp phần đội chi phí lên cao.
Từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg (Quyết định 200) phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản pháp lý khẳng định quyết tâm phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics, đồng thời đề ra những giải pháp thiết thực, mang tính trung hạn để hỗ trợ phát triển logistics tại Việt Nam. Nhưng qua hơn 3 năm ban hành, dù đã có những bước chuyển biến đáng kể thì câu chuyện về chi phí logistics được các DN đưa ra vẫn là câu chuyện cũ: chi phí quá cao
Các hiệp định EVFTA, CPTTP là những “con đường cao tốc” để Việt Nam có cơ hội tham gia vào cuộc chơi kinh tế chung với các nước lớn, nâng cao sức mạnh quốc gia. Với tình trạng “cao tốc bên ngoài, thấp tốc bên trong” như câu chuyện về logistics nếu không sớm thay đổi thì e là việc tận dụng được cơ hội đó còn lắm gian nan.
Vương Thế