Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm vốn 'tái đầu tư' từ các dự án

09:04, 20/04/2020

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) và tạo tiền đề bước sang nhiệm kỳ mới (2020-2025). Là mốc thời gian quan trọng, năm 2020 cũng được xem là năm "bận rộn" cho những kế hoạch phục vụ phát triển trong giai đoạn mới.

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) và tạo tiền đề bước sang nhiệm kỳ mới (2020-2025). Là mốc thời gian quan trọng, năm 2020 cũng được xem là năm “bận rộn” cho những kế hoạch phục vụ phát triển trong giai đoạn mới.

Dự án đường ven sông Cái sẽ là một trong những tuyến đường trục chính, tạo cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.TÙNG
Dự án đường ven sông Cái sẽ là một trong những tuyến đường trục chính, tạo cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.TÙNG

Trên địa bàn tỉnh, hàng loạt các công trình, dự án mà phần lớn trong đó là các công trình, dự án về hạ tầng phục vụ cho mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội sẽ được triển khai thực hiện.

Năm nay, tỉnh dự kiến sẽ thực hiện hơn 180 dự án lớn nhỏ (bao gồm cả các dự án chuyển tiếp từ những năm trước sang năm 2020). Để thực hiện các công trình, dự án này, Đồng Nai phải cần số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Hiện nay, phần lớn nguồn vốn thực hiện các công trình, dự án sẽ được bố trí từ ngân sách. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách thực tế chỉ đáp ứng được một phần để thực hiện.

Trước đây, nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh được lên kế hoạch triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đây được xem là giải pháp “gỡ khó” trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công hạn chế. Thế nhưng, đầu năm 2018, khi Bộ Tài chính có văn bản về việc tạm dừng xem xét quyết định tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng BT chờ chỉ đạo của Chính phủ, giải pháp này cũng không thể thực hiện.

Trong bối cảnh đó, việc tìm nguồn vốn đầu tư để thực hiện các công trình, dự án càng trở nên cấp thiết. Phần lớn các công trình, dự án đã được chuyển hướng sang đầu tư công nhằm đảm bảo tiến độ. Cùng với đó, Đồng Nai cũng tính toán để khai thác nguồn vốn từ chính các công trình, dự án đang được triển khai thực hiện nhằm mục đích phục vụ tái đầu tư cho các công trình, dự án.

Có thể thấy, phần lớn các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh thuộc về lĩnh vực giao thông, hạ tầng. Thực tế, khi một công trình, dự án về giao thông, hạ tầng được triển khai thực hiện, giá trị quỹ đất khu vực xung quanh các công trình, dự án này cũng tăng theo. Tuy nhiên, lâu nay, do không thực hiện quy hoạch quỹ đất xung quanh các dự án nên Nhà nước dù bỏ vốn đầu tư nhưng lại không thu được phần “giá trị gia tăng” này để phục vụ tái đầu tư cho các công trình, dự án khác.

Do đó, để có nguồn vốn phục vụ tái đầu tư, gần đây, Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương, nhất là TP.Biên Hòa - nơi tập trung nhiều công trình, dự án lớn đang được triển khai, thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch nhằm khai thác giá trị các khu đất tạo vốn, đặc biệt là các dự án về giao thông. Hàng loạt diện tích đất dọc hai bên các dự án giao thông lớn như: Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu); Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn); Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); Hương lộ 2… đã được thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Có thể nói, việc thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu đất tạo vốn xung quanh các công trình, dự án đang được triển khai thực hiện sẽ giúp Đồng Nai đạt được “mục tiêu kép”. Không chỉ tạo ra nguồn vốn phục vụ tái đầu tư, việc có một quy hoạch cụ thể còn giúp tạo ra không gian, cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Bởi, các khu đất này về sau sẽ được đấu giá để thực hiện các dự án theo quy hoạch trước đó.   

Lê Văn

Tin xem nhiều