Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hàng rào kỹ thuật 'cứng cáp' với nông sản nhập

09:03, 12/03/2020

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2019 đạt con số ấn tượng trên 41 tỷ USD nhưng Việt Nam cũng đang trở thành thị trường lớn tiêu thụ thịt, rau, trái cây của các nước khi tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lên đến trên 25,6 tỷ USD.

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2019 đạt con số ấn tượng trên 41 tỷ USD nhưng Việt Nam cũng đang trở thành thị trường lớn tiêu thụ thịt, rau, trái cây của các nước khi tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lên đến trên 25,6 tỷ USD.

Nông sản Việt vẫn gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu ra thế giới
Ảnh minh họa

Tuy Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục mới trong thời gian tới, nhưng việc đẩy mạnh xuất khẩu không dễ khi các nước ngày càng siết chặt về hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

ThS.Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh, chuyên gia phân tích mẫu của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường, nhận xét, nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, EU... mỗi năm mỗi cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới và quy định tỷ lệ tồn dư của nhiều chất cấm cũng ngày càng hạ thấp. Ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc gần đây cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu kiểm soát với nông sản nhập khẩu. Ngoài ra, các nước còn bảo hộ nông sản của họ bằng nhiều biện pháp tế nhị khác. Theo đó, Việt Nam muốn xuất khẩu một mặt hàng nông sản vào EU, Mỹ, Nhật Bản… thường cần đến hàng năm trời, thậm chí cả chục năm đàm phán.

Trong khi đó, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu của Việt Nam còn khá chậm chân so với các nước. Cụ thể, với nước đứng đầu trong tốp nhập khẩu nông sản vào Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, việc nhập khẩu nông sản từ nước này còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu kiểm soát, quản lý nên tình trạng nông sản Trung Quốc kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường hoặc tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt vẫn diễn ra phổ biến... Nguyên nhân chính cũng vì biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam còn yếu kém.

Câu chuyện gà nội địa thua đau trong cạnh tranh với thịt đông lạnh nhập khẩu khiến ngành chăn nuôi điêu đứng suốt một thời gian dài có nguyên nhân rất lớn là hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn quá lỏng lẻo. Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, tuy giá thành chăn nuôi ở nhiều nước có rẻ hơn Việt Nam, nhưng nếu tính thêm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu thì mức chênh lệch giữa giá thịt nội và thịt ngoại không thể quá lớn như hiện nay. Thịt heo, thịt gà đông lạnh nhập khẩu có giá quá rẻ chỉ có thể là hàng cấp đông lâu, cận ngày hết hạn sử dụng. Nhưng ngược lại, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được vì hàng rào kỹ thuật của các nước rất khó, rất kỹ.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận năm 2020, Việt Nam sẽ thực thi hàng loạt nghị định thương mại tự do. Bất cập hiện nay là sự phối hợp của các bộ, ngành trong công tác bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước bằng các công cụ pháp lý, mà đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật vẫn còn nhiều bất cập cần phối hợp điều chỉnh sớm trong thời gian tới.         

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích