Thực trạng nhiều dự án chậm triển khai, chậm tiến độ là vấn đề gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua. Không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hôi, các dự án "treo" này còn gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Thực trạng nhiều dự án chậm triển khai, chậm tiến độ là vấn đề gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua. Không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hôi, các dự án “treo” này còn gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Các khu công nghiệp là nơi thu hút nhiều doanh nghiệp FDI vào đầu tư ở Đồng Nai. Ảnh minh họa |
Là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Đồng Nai hiện đang có hàng ngàn dự án kinh tế, xã hội được triển khai thực hiện. Trong số này, có không ít dự án đang rơi vào cảnh chậm triển khai, chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này cũng đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, không ít dự án chậm triển khai, chậm tiến độ cũng được chỉ rõ là do các chủ đầu tư thiếu năng lực thực hiện. Nói một cách khác, không ít nhà đầu tư dù không đủ năng lực nhưng vẫn đăng ký tham gia thực hiện các dự án. Thực trạng nhà đầu tư “đánh trống ghi danh”, đăng ký dự án nhưng không đủ năng lực thực hiện nên đành để đó không phải là hiếm hiện nay.
Thực tế, để giải quyết những bức xúc của người dân đối với tình trạng các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ, Đồng Nai cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, tựu chung lại, những giải pháp này đến nay vẫn chưa tạo ra được “phương thuốc đặc trị” cho tình trạng này.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, để xử lý các dự án chậm triển khai, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh hủy kế hoạch sử dụng đất của hàng trăm dự án đã được giao đất quá 3 năm nhưng chưa triển khai thực hiện. Thế nhưng, nhìn lại, giải pháp xử lý này mới chỉ giải quyết được một phần các dự án có thực hiện thu hồi đất nhưng chậm triển khai. Trong khi đó, đối với các dự án không thực hiện thu hồi đất, giải pháp này hầu như chưa áp dụng được.
Tương tự, với giải pháp bắt nhà đầu tư phải tiến hành ký quỹ trong trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án đầu tư cũng chưa thực sự giúp giải quyết triệt để vấn đề. Thực tế, số lượng nhà đầu tư thực hiện nộp tiền ký quỹ là không nhiều và chủ yếu rơi vào các dự án có vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, các dự án nhỏ và vừa, nhất là các dự án bất động sản, xây dựng khu dân cư thực hiện nộp ký quỹ vẫn còn khá hạn chế.
Do đó, việc tìm ra một “liều thuốc đặc trị” hiệu quả để xử lý tình trạng các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ do năng lực nhà đầu tư yếu kém vẫn đang ở chế độ “chờ”.
Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay, đơn vị đang xây dựng quy trình thu hồi các dự án chậm triển khai để trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, cố tình kéo dài để “chờ thời” sẽ bị thu hồi và mời gọi các nhà đầu tư đủ khả năng. Đây được xem là giải pháp cứng rắn để có thể giải quyết triệt để tình trạng nhà đầu tư “đánh trống ghi danh”. Do đó, việc hoàn thành nhanh quy trình thu hồi các dự án chậm triển khai để có thể áp dụng thực hiện là nhu cầu cấp bách hiện nay.
Giải quyết được tình trạng các dự án chậm triển khai do nhà đầu tư thiếu năng lực không chỉ giúp làm giảm các bức xúc của người dân mà còn tạo ra động lực để phát triển. Không những vậy, nó còn giúp cho tỉnh có thể “chọn mặt, gửi vàng” khi sàng lọc được những nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện các dự án.
Lê Văn