Đó là một mô hình độc đáo của tỉnh An Giang trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện TTHC với chính quyền địa phương.
Đó là một mô hình độc đáo của tỉnh An Giang trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, người dân khi thực hiện TTHC với chính quyền địa phương.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh An Giang |
Theo đó, trong năm 2019, thông qua các hoạt động đối thoại, chính quyền tỉnh đã tiếp thu các đề xuất của doanh nghiệp để triển khai mô hình Ngày không viết, Ngày không hẹn. Mô hình này quy định cụ thể vào một ngày trong tuần, một số TTHC khi người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã sẽ được công chức viết hộ hồ sơ và giải quyết ngay.
Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công, mang lại sự hài lòng cho người dân là nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh ưu tiên thực hiện trong những năm qua. Việc triển khai mô hình Ngày không viết, Ngày không hẹn là một bước để An Giang tiếp tục cải thiện môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Thông qua đổi mới cách thực hiện TTHC công, tỉnh cũng hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất đạo đức giao tiếp ứng xử và năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Từ đó, người dân có cái nhìn tích cực hơn vào công tác cải cách hành chính; hướng tới sự thân thiện giữa người dân đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC theo yêu cầu.
Đánh giá về mô hình này, tại Báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 2 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ, từ góc nhìn doanh nghiệp được ban hành tháng 12-2019, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá đây là một trong những nỗ lực lớn của tỉnh An Giang.
Theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, không phải ngẫu nhiên mà An Giang được Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong việc thực hiện cải cách TTHC. Điều đó có được nhờ sự nhạy bén của chính quyền cũng như các sở, ngành trước đòi hỏi thiết thực từ người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu của sự phát triển. Tỉnh đã chủ động lập kênh mạng xã hội trên Facebook, YouTube để giao tiếp, phổ biến, hướng dẫn TTHC, tiếp nhận ý kiến phản ảnh của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông báo chính sách đến doanh nghiệp và người dân qua tin nhắn một cách trực tiếp và nhanh chóng thông qua hệ thống mạng điện thoại viễn thông...
Nhìn rộng ra, sự thành công của mô hình Ngày không viết, Ngày không hẹn và những giải pháp đang được tổ chức ở An Giang cũng có thể được triển khai ở các nơi khác.
Với riêng Đồng Nai, là một địa phương tốp đầu cả nước trong phát triển kinh tế, những năm qua tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách TTHC để hướng tới giai đoạn phát triển bền vững hơn. Ngoài sự sáng tạo, nỗ lực và nhạy bén của chính quyền, cán bộ, công chức thì những kinh nghiệm từ các tỉnh, thành bạn, mà tiêu biểu là mô hình của An Giang cũng rất đáng để tham khảo.
Đào Lê