Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, trong năm 2019, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh là 235 công trình, giảm hơn 56% so với năm 2018. Tính theo tỷ lệ, số công trình xây dựng sai phép cũng chỉ chiếm khoảng 0,6% so với tổng số giấy phép xây dựng được cấp (năm 2019 cấp hơn 4,4 ngàn giấy phép xây dựng).
Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, trong năm 2019, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh là 235 công trình, giảm hơn 56% so với năm 2018. Tính theo tỷ lệ, số công trình xây dựng sai phép cũng chỉ chiếm khoảng 0,6% so với tổng số giấy phép xây dựng được cấp (năm 2019 cấp hơn 4,4 ngàn giấy phép xây dựng).
Xe cẩu và nhân lực tháo dỡ một công trình xây dựng trái phép |
Nhìn vào những con số thống kê trên, rất nhiều người sẽ lạc quan và tin tưởng vào công tác lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào thực tế, tình hình lại không lạc quan đến vậy.
Vi phạm trật tự xây dựng, nhất là tình trạng xây dựng không phép, vẫn là một vấn đề “nóng bỏng” xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2019. Không chỉ dừng lại ở những công trình nhà ở quy mô nhỏ của người dân, nhiều công trình lớn, đồ sộ của các cá nhân và tổ chức cũng đã bị phanh phui xây dựng không phép khi đã “thành hình, thành dạng” gây bức xúc dư luận.
Đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, theo quy định của pháp luật cùng với việc bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư cũng bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Thế nhưng việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng hiện đang rất... khó khăn.
Theo Sở Xây dựng, các đối tượng vi phạm bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm thường không tự giác thực hiện. Trong khi đó, công tác cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm. Hầu hết các quyết định có nội dung yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn tỉnh đều chưa thực hiện xong. Cụ thể, tại TP.Biên Hòa hiện còn 17 trường hợp, huyện Trảng Bom còn 8 trường hợp và huyện Long Thành còn 2 trường hợp.
Nguyên nhân của tình trạng này cũng đã được chỉ rõ, đó chính là việc thiếu quan tâm, chú trọng trong việc theo dõi, đôn đốc, tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình xây dựng trái phép. Từ đó, dẫn đến việc chưa kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với các trường hợp buộc phải thực hiện cưỡng chế.
Tuy nhiên, nếu xét sâu xa, chính việc buông lỏng, thiếu giám sát, xử lý và thực hiện các biện pháp ngăn chặn các công trình xây dựng trái phép ngay từ đầu mới chính là “gốc rễ” của vấn đề. Chính bởi tình trạng này nên nhiều công trình dù vi phạm nhưng vẫn xây dựng hoàn thành dẫn đến khó khăn trong công tác cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tháo dỡ công trình. Đáng lo ngại hơn, nó còn tạo ra một tiền lệ xấu, có hiệu ứng dây chuyền làm phức tạp thêm tình hình quản lý trật tự xây dựng đó là “xây dựng trước, xin phép sau”.
Từ thực tế trên cho thấy, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước, việc theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời để giải quyết ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm là yếu tố quyết định. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có quy định về trách nhiệm trong quản lý đối với cấp cơ sở, nhất là cấp xã, phường. Bởi hơn ai hết, đây chính là cấp quản lý gần gũi, bám sát nhất với thực tế tại mỗi địa phương.
Lê Văn