Ngày 12-11-2019, lần đầu tiên trong lịch sử, một loại gạo của Việt Nam có tên ST25 đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại Cuộc thi World's Best Rice, do Tạp chí The Rice Trader tổ chức tại Philippines. Tin vui này vừa đem lại niềm tự hào cho lúa gạo Việt Nam, vừa đặt ra một vấn đề nhức nhối lâu nay: xây dựng thương hiệu nông sản để hàng Việt Nam xuất khẩu được với thương hiệu rõ ràng và bán được với giá cao hơn.
Ngày 12-11-2019, lần đầu tiên trong lịch sử, một loại gạo của Việt Nam có tên ST25 đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại Cuộc thi World’s Best Rice, do Tạp chí The Rice Trader tổ chức tại Philippines. Mặc dù đã có hàng chục năm xuất khẩu gạo vào hàng tốp đầu thế giới về số lượng, nhưng đây là lần đầu một loại gạo của Việt Nam đoạt giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi đã được tổ chức suốt 10 năm qua. Gạo ST25 đã vượt qua các đối thủ là các giống gạo ngon đến từ các nước như Thái Lan, Campuchia và đứng đầu cuộc bình chọn gạo ngon. Những năm trước, các giống gạo của Thái Lan và Campuchia đã nhiều lần đoạt giải thưởng này.
Các sản phẩm gạo của Việt Nam chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu. Ảnh tư liệu |
Tin vui này vừa đem lại niềm tự hào cho lúa gạo Việt Nam, vừa đặt ra một vấn đề nhức nhối lâu nay: xây dựng thương hiệu nông sản để hàng Việt Nam xuất khẩu được với thương hiệu rõ ràng và bán được với giá cao hơn.
Cho đến thời điểm này, khoảng 80% nông sản Việt Nam nói chung vẫn đang xuất khẩu dưới dạng thô, số lượng có thương hiệu riêng hầu như không đáng kể. Điều mà nông sản Việt Nam khi xuất khẩu đã làm được là ghi nguồn gốc xuất xứ “made in Vietnam” mà chưa có những thương hiệu cụ thể, rõ ràng của doanh nghiệp sản xuất và chế biến. Điều này tiềm ẩn một rủi ro khá lớn là nếu lỡ có “sự cố” gì về chất lượng thì hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu loại nông sản đó cũng bị “vạ lây” do “made in Vietnam” được hiểu chung là hàng Việt. Chưa kể, đã có nhiều bài học khá “đắng cay” khi nhiều loại nông sản vốn dĩ là đặc sản của Việt Nam, song do không chú trọng đến việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu mà đã bị “mất” vào tay một số doanh nghiệp nước ngoài tại một số thị trường xuất khẩu, ví dụ như kẹo dừa Bến Tre hay nước mắm Phú Quốc.
Trở lại câu chuyện giống gạo ST25 vừa đoạt giải khiến gạo Việt Nam trở nên nổi tiếng trong hàng ngàn loại gạo hiện nay, ST25 thực ra không chỉ là loại gạo duy nhất của Việt Nam được cho là “ngon”, song vì khâu đầu tư về chất lượng lẫn xây dựng thương hiệu còn yếu nên vẫn chưa thể cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu gạo của Thái Lan và Campuchia, dẫn đến giá bán không bằng. Sau hàng chục năm xuất khẩu gạo đứng hàng nhất nhì thế giới về sản lượng, thực tế là Việt Nam đang gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu để giữ thị trường xuất khẩu giữa lúc nhiều thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc… đang giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam vì đã cân đối được nguồn cung.
Câu chuyện của gạo cũng đúng với hồ tiêu, cà phê, thanh long, hạt điều, nhãn, xoài, vải… và nhiều loại nông sản khác của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra quá nhanh, quá mạnh như hiện nay, một lần nữa, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản lại càng phải được quan tâm sâu sắc từ mọi phía: nhà nước, nhà sản xuất, nhà xuất khẩu…
Vi Lâm