Sau gần 2 năm, dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trên cả nước phải ngưng hoàn toàn để đợi quy định mới của Chính phủ. Hầu hết các tỉnh, thành đều lên tiếng mong Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn để các dự án BT có thể hoạt động trở lại. Bởi với nguồn ngân sách nhà nước có hạn, các địa phương muốn đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng để làm "cú hích" trong phát triển kinh tế, xã hội thì triển khai dự án theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng là một trong những giải pháp tương đối hiệu quả.
Sau gần 2 năm, dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trên cả nước phải ngưng hoàn toàn để đợi quy định mới của Chính phủ. Hầu hết các tỉnh, thành đều lên tiếng mong Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn để các dự án BT có thể hoạt động trở lại. Bởi với nguồn ngân sách nhà nước có hạn, các địa phương muốn đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng để làm “cú hích” trong phát triển kinh tế, xã hội thì triển khai dự án theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng là một trong những giải pháp tương đối hiệu quả.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2019/NĐ-CP quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT, có hiệu lực từ ngày 1-10-2019. Mục đích là nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh, thành để tiếp tục khởi động lại các dự án BT. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, các địa phương khi đem Nghị định 69 đối chiếu với các quy định của Luật Đất đai; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... thấy phát sinh khá nhiều bất cập khi thực hiện. Cụ thể là sự thiếu đồng bộ giữa nghị định với Luật Đất đai về khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng. Trong nghị định cho phép các địa phương có thể dùng tài sản công (có thể là đất) ngang giá để đổi lấy hạ tầng. Luật Đất đai lại quy định tất cả đất công muốn khai thác lấy vốn đầu tư các công trình hạ tầng thì phải đưa ra đấu giá để tạo ra sự minh bạch, rõ ràng.
Bên cạnh đó, Nghị định 69 cho phép các địa phương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT nhưng phải đảm bảo nguyên tắc ngang giá, điều này rất khó thực hiện.
Ngoài ra, Nghị định 69 có thêm điểm mới là quy định trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn vốn thanh toán cho hợp đồng BT. Như vậy các địa phương có thể sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho những dự án BT trên địa bàn. Thế nhưng, trong nghị định lại quy định thêm là khi sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT phải triển khai đúng theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công chưa có quy định về dùng tiền ngân sách để thanh toán cho các dự án BT. Vì vậy, Nghị định 69 mới có hiệu lực thi hành đã vướng khó triển khai. Vấn đề này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm làm rõ để báo cáo Chính phủ có biện pháp tháo gỡ để các địa phương có thêm nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật.
Tại Đồng Nai có hơn 40 dự án BT bị ách tắc gần 2 năm, gây khó khăn lớn cho địa phương trong việc tìm nguồn vốn khác để đầu tư các dự án. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, một số dự án BT quan trọng đã được tỉnh chuyển qua đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ. Nguồn vốn đầu tư công có hạn nên Đồng Nai cũng như những tỉnh, thành khác mong Chính phủ sớm tháo gỡ để có thêm nguồn vốn triển khai các dự án giao thông quan trọng của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Uyển Nhi