Trong 10 tháng của năm 2019, Đồng Nai nhập khẩu gần 1,9 triệu tấn bắp với kim ngạch là 389 triệu USD và chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây cũng chính là mặt hàng hơn 10 năm nay, Đồng Nai luôn nhập siêu và mỗi năm đều tăng từ 20-30%. Riêng từ đầu năm đến nay, nhập khẩu bắp tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và dự tính năm nay các doanh nghiệp Đồng Nai sẽ nhập khẩu gần 2,3 triệu tấn bắp.
Trong 10 tháng của năm 2019, Đồng Nai nhập khẩu gần 1,9 triệu tấn bắp với kim ngạch là 389 triệu USD và chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây cũng chính là mặt hàng hơn 10 năm nay, Đồng Nai luôn nhập siêu và mỗi năm đều tăng từ 20-30%. Riêng từ đầu năm đến nay, nhập khẩu bắp tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và dự tính năm nay các doanh nghiệp Đồng Nai sẽ nhập khẩu gần 2,3 triệu tấn bắp. Nguyên nhân khiến Đồng Nai nhập khẩu bắp nhiều là do các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh.
Ảnh tư liệu |
Theo các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai thì họ cũng muốn tìm nguồn nguyên liệu bắp trong nước để chủ động sản xuất. Bởi chất lượng của hạt bắp trồng tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong nước có chất lượng cao. Tuy nhiên số lượng bắp trong nước lại có hạn, không đáp ứng đủ cho nhu cầu của các nhà máy.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 8-9 triệu tấn bắp. Một câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là tại sao một nước sản xuất nông nghiệp lớn, có nhiều loại nông sản xuất khẩu cả chục tỷ USD/năm lại phải nhập khẩu bắp với số lượng lớn như vậy? Có hay không liên quan đến việc quy hoạch phát triển các loại cây trồng chưa theo kịp với nhu cầu của thị trường. Điều này dẫn đến có loại nông sản làm ra không bán được, trong khi nguồn cung bắp đang cần số lượng lớn lại không có.
Tại Đồng Nai, từng được mệnh danh là “thủ phủ” của cây bắp lai, nhiều nông dân đã đẩy năng suất bắp lên đến 10-12 tấn/hécta/vụ. Trong đó, có những vùng trồng bắp 3 vụ/năm đã cho nông dân lợi nhuận 70-100 triệu đồng/hécta/năm, cao hơn nhiều so với trồng mì, lúa, mía và một số cây trồng khác. Trong khi trồng bắp lại ít phải lo đến đầu ra cho sản phẩm vì thị trường đang có nhu cầu lớn.
Lâu nay, ở các nước, ngành nông nghiệp trước khi sản xuất sẽ nhắm đến những mặt hàng thị trường cần, còn tại Việt Nam hay đi theo quy trình ngược là sản xuất rồi mới đi tìm thị trường. Điều này đã dẫn đến hậu quả là hàng hóa sản xuất ra khó bán, giá giảm xuống dưới giá thành, nông dân thua lỗ lớn, Nhà nước phải tiến hành giải cứu. Nếu quy hoạch phù hợp, vận động người dân chuyển đổi từ cây mì, lúa, mía sang trồng bắp sẽ tăng được thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể đứng ra làm cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, để nông dân có đầu ra ổn định còn doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu trong nước, giảm được nhập khẩu sẽ tăng xuất siêu.
Khánh Minh