Luật Quy hoạch được Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, thông qua ngày 24-11-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.
Luật Quy hoạch được Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, thông qua ngày 24-11-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.
Với việc bãi bỏ hàng loạt quy hoạch ngành, trong đó có không ít quy hoạch chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng, Luật Quy hoạch được cho sẽ “cởi trói” cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Luật Quy hoạch quy định, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập các loại quy hoạch khác như: quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh... Trong đó, mọi loại quy hoạch đều phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ở cấp địa phương, quy hoạch tỉnh cũng phải phù hợp với quy hoạch vùng.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong công tác triển khai.
Vướng mắc lớn nhất là theo lộ trình, dự kiến đến tháng 11-2021, quy hoạch tổng thể quốc gia mới được phê duyệt. Do chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, nên các quy hoạch khác cũng rất khó để thực hiện. Đặc biệt, các tỉnh, thành hiện đang lúng túng trong việc tích hợp những quy hoạch nào vào quy hoạch chung của tỉnh, thành, việc quản lý những quy hoạch đã bãi bỏ ra sao... dẫn đến nhiều dự án bị “ách” lại, đợi phê duyệt quy hoạch.
Hiện nay, Chính phủ vẫn đang cho phép các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh song song với lập quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện song song cũng phát sinh lo ngại những quy hoạch này sẽ có độ “vênh” với quy hoạch quốc gia về sau. Lúc đó, việc điều chỉnh sẽ gây tốn kém về thời gian và kinh phí.
Một khó khăn nữa là hiện nay không có quy định chuyển tiếp, dẫn đến các ngành bối rối chưa biết xử lý ra sao đối với các quy hoạch đã được lập trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Trước thực tế này, ngày 16-8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều tại Luật Quy hoạch (Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14). Theo đó, quy hoạch nào hoàn thành trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo việc lập, thẩm định các quy hoạch ở các ngành, các cấp, các địa phương, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Đối với các quy hoạch đã được lập trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực mà theo luật sẽ phải tích hợp vào các quy hoạch như quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng chưa được phê duyệt thì được điều chỉnh nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt. Việc điều chỉnh sẽ thực hiện theo quy định của các luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Quỳnh Nhi