Năm 2017, do ảnh hưởng mưa trái mùa, trên 31 ngàn hécta điều và 10,2 ngàn hécta xoài của Đồng Nai bị mất mùa với ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai đã phải hỗ trợ gần 83 tỷ đồng cho cây xoài, cây điều bị thiệt hại.
Năm 2017, do ảnh hưởng mưa trái mùa, trên 31 ngàn hécta điều và 10,2 ngàn hécta xoài của Đồng Nai bị mất mùa với ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai đã phải hỗ trợ gần 83 tỷ đồng cho cây xoài, cây điều bị thiệt hại.
Vụ thu hoạch năm nay, cây xoài lại tiếp tục mất mùa do ảnh hưởng thời tiết thất thường. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). |
Mất mùa khiến giá hạt điều trong các vụ thu hoạch năm 2017 và 2018 tăng kỷ lục, có thời điểm vượt hơn 50 ngàn đồng/kg, trong khi những năm trước, giá hạt điều chưa bao giờ vượt quá 40 ngàn đồng/kg. Theo đó, ngành chế biến điều chủ yếu dựa vào nguyên liệu hạt điều nhập khẩu và cũng gặp không ít khó khăn vì giá nguyên liệu tăng với tốc độ phi mã.
Năm 2018, các doanh nghiệp trong ngành chế biến hạt điều thống nhất đưa ra mục tiêu “giảm lượng và tăng chất trong chế biến xuất nhập khẩu điều”.
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch của ngành điều đầu năm 2018, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đã đưa ra nhận định: “Sản lượng chế biến xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ giảm từ 350 ngàn tấn điều nhân các loại vào năm 2017 xuống còn 300 ngàn tấn trong năm 2018. Tương ứng, kim ngạch xuất khẩu nhân điều sẽ giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD”. Nguyên nhân chính của sự giảm mạnh sản lượng nhân điều xuất khẩu này là do Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ mà phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu giá cao và chất lượng kém. Đầu tư chế biến sâu và mở rộng thị trường nội địa là giải pháp cho ngành điều phát triển trong tương lai. Vì theo Cục Trồng trọt, Việt Nam chỉ mới tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị hạt điều.
Tuy nhiên, để làm được điều đó là điều không đơn giản. Với trên 38 ngàn hécta, điều vẫn là cây chủ lực có diện tích lớn nhất trong nhóm các cây chủ lực của Đồng Nai và cũng là mặt hàng nông sản đứng đầu về sản lượng và giá trị xuất khẩu của tỉnh. Nhưng thực tế, sau sự thất bại do thua lỗ của Công ty cổ phần chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods), một thương hiệu lớn của Đồng Nai trong ngành chế biến hạt điều, ngành chế biến hạt điều của tỉnh vẫn quanh quẩn trong vòng làm gia công. Hiện việc chuyển đổi sản xuất từ lượng sang chất theo hướng đầu tư chế biến sâu của doanh nghiệp ngành điều trên địa bàn tỉnh vẫn khó diễn ra. Hầu hết các cơ sở chế biến điều của Đồng Nai đều ở quy mô nhỏ, lẻ và chủ yếu vẫn làm hàng gia công. Ngành điều của tỉnh cũng chưa xây dựng được thương hiệu hạt điều lớn nào tại cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dòng hàng chế biến sâu như: điều rang muối, điều chiên bơ, điều tẩm gia vị hay bánh kẹo hạt điều...chủ yếu chỉ có một số ít cơ sở nhỏ, lẻ đầu tư chế biến và cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng nhân điều doanh nghiệp sản xuất. Và với việc để doanh nghiệp nhỏ và vừa tự xoay xở trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay thì việc đầu tư cho chế biến sâu vẫn là bài toán chưa tìm ra lời giải.
Bình Nguyên