Báo Đồng Nai điện tử
En

Chưa mặn mà xuất khẩu trực tuyến

10:03, 12/03/2018

Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hình thức xuất khẩu trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đặc biệt là giảm được chi phí và khả năng tìm kiếm khách hàng tốt hơn so với hình thức xuất khẩu truyền thống. Song doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hình thức xuất khẩu trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đặc biệt là giảm được chi phí và khả năng tìm kiếm khách hàng tốt hơn so với hình thức xuất khẩu truyền thống. Song doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều.

Công ty cổ phần An Phú Thịnh (huyện Long Thành) chuyên sản xuất găng tay bảo hộ lao động được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong việc bán hàng qua mạng. Hơn 10 năm trước công ty đã sử dụng mạng internet là kênh bán hàng đắc lực. Nhưng doanh nghiệp cũng mới chỉ dừng ở việc bán hàng nội địa. Dù hàng xuất khẩu hiện nay chiếm 50% sản lượng (gần 10 container/tháng) nhưng doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng phương pháp xuất khẩu trực tuyến thay cho hình thức truyền thống. Lý giải về vấn đề này, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc công ty, cho rằng do đơn hàng hiện nay doanh nghiệp sản xuất không kịp cho khách hàng nên thấy chưa cần thiết sử dụng hình thức xuất khẩu trực tuyến. Một điều quan trọng nữa là doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng đầu tư cho hình thức xuất khẩu này. “Để áp dụng xuất khẩu trực tuyến hiệu quả phải đầu tư bài bản, đặc biệt là về con người. Về lâu dài chúng tôi cũng sẽ phải áp dụng hình thức này vì hợp với xu hướng mới” - ông Tuấn chia sẻ.

Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) có 100% sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, tuy nhiên chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Đức Tuấn Hải cho hay vẫn xuất khẩu hàng theo hình thức truyền thống. Theo ông Hải, do đặc thù sản phẩm của doanh nghiệp là hàng cao cấp và cần độ an toàn cao nên khách hàng phải kiểm tra kỹ ngay tại nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, xuất khẩu trực tuyến đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải có kỹ năng tốt am hiểu về bán hàng điện tử, giỏi ngoại ngữ và thời gian xử lý công việc là 24/7.

Không riêng Công ty cổ phần An Phú Thịnh hay Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh mà hầu như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa sẵn sàng với hình thức xuất khẩu trực tuyến. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhận định sở dĩ doanh nghiệp xuất khẩu chưa mặn mà với xuất khẩu trực tuyến do phần lớn thiếu kỹ năng. Ông Tuấn phân tích, tham gia hội chợ quốc tế doanh nghiệp khá tốn kém, trong khi đó tham gia sàn giao dịch trực tuyến thì rẻ hơn nhiều. Nhưng không phải cứ mua một gian hàng trên sàn giao dịch điện tử rồi đưa hình ảnh sản phẩm lên đó là xong, mà doanh nghiệp phải chăm chút đầu tư rất nhiều. Những vấn đề khác như xử lý lệch múi giờ ở những quốc gia bên kia bán cầu hay kỹ năng đàm phán bằng điện tử cũng hết sức quan trọng. 

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trên 1.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 mới có 2% số doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Phần lớn các doanh nghiệp khai thác kinh doanh trực tuyến phục vụ xuất khẩu mới dừng ở mức sơ đẳng như giới thiệu sản phẩm bằng website hoặc email cho khách hàng. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tư duy tích cực hơn về xuất khẩu trực tuyến và có đầu tư một cách nghiêm túc để mang đến hiệu quả cao vì đây là một xu hướng phát triển của thế giới.

Vân Nam

Tin xem nhiều