Sự bành trướng của các chuỗi cửa hàng điện máy, xe máy, các mặt hàng công nghệ... về các vùng nông thôn hiện kéo theo các hình thức cho vay tiêu dùng vô cùng dễ dãi.
Sự bành trướng của các chuỗi cửa hàng điện máy, xe máy, các mặt hàng công nghệ... về các vùng nông thôn hiện kéo theo các hình thức cho vay tiêu dùng vô cùng dễ dãi. Một người chỉ cần đem theo hóa đơn trả tiền điện, tiền nước cùng vài cam kết trả nợ sơ sài là có thể được cửa hàng đồng ý bán trả góp hàng tháng những món đồ có giá trị khá, như: xe máy, điện thoại di động hay tủ lạnh, tivi... Để bán được hàng và tăng trưởng doanh số, các cửa hàng sẵn sàng hợp tác cùng các công ty tài chính và ngân hàng để cung cấp các gói vay tiêu dùng trả góp theo kiểu 3 bên cùng có lợi: cửa hàng bán được hàng, công ty tài chính (hoặc ngân hàng) cho vay được và người vay mua được hàng.
Nông thôn đã thế, thị trường thành thị còn khốc liệt hơn. Sự hiện diện của những chiếc bàn làm việc ngay trong cửa tiệm với vài nhân viên cho vay đến từ ngân hàng hoặc công ty tài chính sẵn sàng hỗ trợ người vay ngay “tại trận” nói lên nhiều điều, và nó như một khẳng định ngầm rằng bất cứ nhu cầu vay nào của người mua, họ cũng sẵn sàng xoay xở để đáp ứng. Nhưng đó chỉ là câu chuyện trước mắt, câu chuyện lâu dài là lãi suất ở những trường hợp này bị tính rất cao với thời gian vay kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm cho những món đồ như xe máy hay điện thoại. Lãi vay tiêu dùng có thể bị áp dụng từ 20-36%/năm, rất cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại. Tuy nhiên, vì chia thành từng tháng với số tiền vừa phải nên tổng lãi vay thường bị người vay không chú ý.
Song, lãi suất cao chỉ là một khía cạnh của vấn đề, khi tín dụng tiêu dùng tính chung trong tổng thể tăng trưởng quá nóng thì tính an toàn thường bị bỏ qua. Theo nguyên tắc, người vay tiêu dùng phải được xem xét các tiêu chuẩn trước khi cho vay để đảm bảo an toàn tín dụng.
Từ khá lâu, Việt Nam đã có Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và được các ngân hàng áp dụng tra cứu khi duyệt hồ sơ vay. Thống kê đến hết năm 2017, kho dữ liệu của CIC đã cập nhật trên 34,3 triệu khách hàng, trong đó có 700 ngàn khách hàng doanh nghiệp và 33,6 triệu khách hàng cá nhân. Nhưng thực tế, trước áp lực cạnh tranh, không nhiều ngân hàng quan tâm đến các khoản vay của khách hàng cá nhân tại các ngân hàng khác. Thay vào đó, chỉ xét duyệt đơn lẻ hồ sơ vay tại chính ngân hàng mình, dẫn đến hệ lụy là 1 nguồn thu nhập nhưng vay tại nhiều ngân hàng khác nhau và khách hàng dễ mất khả năng chi trả, phát sinh nợ xấu.
Năm 2016, tín dụng tiêu dùng tăng đến 50,2% và tiếp tục tăng mạnh đến 65% trong năm 2017. Tỷ trọng trong tổng dư nợ cũng tăng từ 12,3% lên 18%, tương đương với việc dư nợ cho vay tiêu dùng đang xấp xỉ mức 1,17 triệu tỷ đồng. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn số 563 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản. Công văn cũng nhấn mạnh phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng để tránh nợ xấu. Sự lo lắng này là có cơ sở, bởi áp lực cạnh tranh trên lĩnh vực bán buôn khiến các ngân hàng đang dồn sức phát triển mảng bán lẻ để đảm bảo lợi nhuận, và do đó dễ gây nhiều hệ lụy khó lường.
Vi Lâm