Trên một tờ nhật báo lớn, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định kinh tế Việt Nam năm 2018 là những "triển vọng thật chứ không hề tô vẽ". Ông Thiên "nói có sách, mách có chứng", bởi năm 2017 Việt Nam chứng kiến nhiều kỷ lục bứt phá của một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Trên một tờ nhật báo lớn, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định kinh tế Việt Nam năm 2018 là những “triển vọng thật chứ không hề tô vẽ”. Ông Thiên “nói có sách, mách có chứng”, bởi năm 2017 Việt Nam chứng kiến nhiều kỷ lục bứt phá của một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
Những chỉ số chính yếu của nền kinh tế mà Chính phủ công bố trong những ngày cuối năm làm nhiều người phấn chấn. Đầu tiên, GDP tăng trưởng trên 6,8% trong khi mức dự kiến chỉ 6,7%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài 2017 cũng đạt 36 tỷ USD và được xem là đột phá. Ấn tượng nhất là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập mốc 400 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với mức 100 tỷ USD vào năm 2007 sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với đó, cán cân thương mại cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu giai đoạn 2007-2015 Việt Nam hầu như rơi vào trạng thái nhập siêu (trừ năm 2012-2013) thì năm 2016 Việt Nam đã thặng dư thương mại khi xuất siêu 1,78 tỷ USD và cả năm nay là 2,7 tỷ USD. Kỷ lục này đã đưa Việt Nam tăng lên 1 bậc trong bảng xếp hạng xuất khẩu thế giới, lên hạng thứ 26 (nguồn: Báo Thanh Niên).
Sau hơn 1 năm kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi xây dựng phong trào khởi nghiệp, năm 2017 số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng lập kỷ lục, với 126.859 doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định với lạm phát cả năm chỉ là 3,53%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Năm qua, Việt Nam cũng thu hút rất đông khách nước ngoài với 13 triệu lượt du khách; dự trữ ngoại hối lập kỷ lục từ trước tới nay với xấp xỉ 52 tỷ USD...
Kết thúc năm 2017, môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế; năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 - thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được kể từ trước tới nay; còn triển vọng Việt Nam thì được Tổ chức Moody’s và Fitch nâng từ mức ổn định lên mức tích cực.
Với tất cả những chỉ số đẹp của năm 2017, nhiều triển vọng mới thực sự được đặt ra cho năm 2018 được giới kinh doanh đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và ngay cả Chính phủ cũng cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ phải tập trung phát triển về “chất” trong nhiều năm tới, lao động giá rẻ phải thay thế bằng các lợi thế khác, những dự án gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái phải được thanh lọc dần, tìm cách giảm nghèo bền vững và đưa thu nhập bình quân đầu người tăng cao... Tất cả những áp lực và kỳ vọng của năm 2018 chỉ mới bắt đầu, song thành thực mà nói, những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2017 sẽ là một bệ đỡ tốt cho nền kinh tế đất nước khi bước vào năm mới.
Vi Lâm