Báo điện tử VnEconomy vừa dẫn lại báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu và đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, cho thấy tăng trưởng bán hàng trực tuyến của các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh đang vượt trội hơn doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ.
Báo điện tử VnEconomy vừa dẫn lại báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu và đo lường hiệu quả hoạt động toàn cầu Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, cho thấy tăng trưởng bán hàng trực tuyến của các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh đang vượt trội hơn doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ. Dự tính doanh số bán hàng trực tuyến của hàng tiêu dùng nhanh sẽ vượt qua doanh số bán hàng tại các kênh cửa hàng bán lẻ trong vòng 5 năm tới. Tại Hoa Kỳ và Trung Quốc - 2 thị trường lớn mạnh vào bậc nhất thế giới, dù việc buôn bán thông qua hệ thống cửa hàng truyền thống vẫn mạnh, song không ăn thua gì với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, với những “chợ trực tuyến” như: Amazon, Alibaba... có doanh số lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm, đe dọa trực tiếp đến các cửa hàng truyền thống. Những tập đoàn bán lẻ lâu năm cũng đã và đang có những phương án chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh thương mại điện tử, duy trì song song cả hai để tránh nguy cơ bị đào thải trước thời đại mà mọi thứ thay đổi “quá nhanh, quá nguy hiểm” như hiện nay.
Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong thập niên vừa qua đạt mức trung bình 20%/năm và tại những thị trường “nóng” như Việt Nam, con số này xấp xỉ 40% (nguồn số liệu từ Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương). Cũng theo đó, hiện nay khoảng 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trong khi 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Các chuyên gia tính toán trong vòng 3-5 năm tới, các thị trường bên ngoài 2 thành phố lớn này cũng sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển thương mại điện tử nếu doanh nghiệp trong nước biết cách khai phá. Với những tính toán đó, doanh số từ thương mại điện tử mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần.
Vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong làn sóng mạnh mẽ này? Thực tế, thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam hiện cũng đang do nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối, các chợ điện tử lớn như Lazada, Zalora... với đầu tư vốn rất lớn và ngành hàng đa dạng. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư trong nước cũng đang đua quyết liệt với những chợ điện tử đầu tư lớn không kém, như: Sendo, Tiki, A đây rồi, Chợ Tốt, Thế giới di động, Nhóm mua… Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa có một chợ điện tử nào đủ lớn mạnh để cạnh tranh một khi các “gã khổng lồ” như Alibaba hay Amazon vào cuộc, mà dự tính sẽ không xa nữa khi thị trường Việt Nam đủ lớn, đủ hấp dẫn và khi các điều kiện khác về pháp lý đã thông thoáng hơn.
Hiện tại, hầu như những doanh nghiệp, cửa hàng, chuỗi siêu thị có sự nhạy cảm nhất định đều đang duy trì cả 2 kênh bán hàng cùng lúc, kể cả khi kênh bán hàng trực tuyến chưa đem lại lợi nhuận như mong đợi, song cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho một kỷ nguyên mới mà mọi cung cách làm ăn, buôn bán hay những quan niệm cũ về mua - bán không còn gói gọn trong vài quan niệm thông thường nữa. Đón nhận những làn sóng mới khổng lồ như Alibaba hay Amazon thì có lẽ hợp tác hay cạnh tranh cũng là điều doanh nghiệp phải cân nhắc, vì sẽ liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Vi Lâm