3,5 tỷ USD là con số nhập siêu từ Thái Lan chỉ tính trong 8 tháng năm 2017, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công thương đã phải có cuộc họp nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại giữa 2 bên.
3,5 tỷ USD là con số nhập siêu từ Thái Lan chỉ tính trong 8 tháng năm 2017, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công thương đã phải có cuộc họp nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại giữa 2 bên.
Việt Nam nhập khẩu lượng hàng lớn từ Thái Lan. Trong ảnh: hàng Thái được bày bán tại một hội chợ |
Thực ra đây không phải là thông tin quá bất ngờ, bởi mấy năm qua hàng Thái Lan chiếm lĩnh các kệ hàng ở Việt Nam ngày càng nhiều. Hàng Thái đang chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trên nhiều phương diện: giá, mẫu mã và chất lượng. Nếu hàng Trung Quốc khiến nhiều người ngại ngần về chất lượng; hàng Nhật Bản, Hoa Kỳ hay châu Âu khiến người mua quan ngại về giá thì hàng Thái là lựa chọn cân bằng giữa các yếu tố nói trên, do đó người tiêu dùng Việt Nam khá chuộng.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), 5 nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu từ Thái Lan là: hàng điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (432 triệu USD), xăng dầu các loại (406 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (403 triệu USD), linh kiện phụ tùng ô tô (340 triệu USD).
Dự đoán, sắp tới hàng Thái đã rẻ sẽ còn rẻ hơn do Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện Việt Nam đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018. Về phía Chính phủ Thái Lan, việc tạo điều kiện cho hàng Thái “phủ sóng” khu vực ASEAN nói riêng cũng là một chiến lược đáng chú ý hẳn hoi, thể hiện qua sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc xúc tiến thương mại từ chính sách vĩ mô đến các hội chợ cụ thể. Mỗi năm, có từ 10-20 hội chợ hàng Thái được tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, đa dạng các mặt hàng được giới thiệu đến người tiêu dùng Việt: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; vải các loại; giấy các loại; xơ, sợi dệt các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu...
Xa hơn, nhiều năm qua người Thái đã âm thầm mua lại hoặc thiết lập, đầu tư hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại và bài bản tại Việt Nam thông qua các thương vụ M&A như: mua lại cổ phần chi phối của Nguyễn Kim, BigC, Metro... Các tập đoàn lớn như Central Group, TCC Group hiện sở hữu nhiều kênh phân phối lớn tại Việt Nam.
Trước sức ép hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý cần có những ứng phó kịp thời nhằm cạnh tranh và giữ thị phần tốt hơn. Nhiều ý kiến đề xuất Việt Nam nên nâng cáo các tiêu chuẩn của hàng rào kỹ thuật, song lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng hàng rào kỹ thuật không phải là cách để bảo vệ hàng trong nước một cách căn cơ, mà chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh của chính hàng Việt mới là hướng lâu dài. Chất lượng sản phẩm nội địa tốt thì không chỉ hàng Thái mà sẽ cạnh tranh được với hàng hóa từ các quốc gia phát triển khác. Còn xét trên quan hệ thương mại 2 nước, Việt Nam cũng cần tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang Thái Lan nhằm khắc phục nhập siêu, tránh cán cân quá lệch về một phía.
Vi Lâm