Rất nhiều ý kiến cảnh báo về thịt nhập khẩu chất lượng thấp vào thị trường Việt Nam từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO cách đây hơn 10 năm, hoặc khi liên tục ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) với các quốc gia trên thế giới.
Rất nhiều ý kiến cảnh báo về thịt nhập khẩu chất lượng thấp vào thị trường Việt Nam từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO cách đây hơn 10 năm, hoặc khi liên tục ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương (FTA) với các quốc gia trên thế giới. Thịt nhập đa dạng: bò, heo, gà, cừu... với giá rất rẻ, kể cả so với thịt cùng loại sản xuất trong nước. Và câu hỏi là: vì sao Việt Nam rất yếu ớt trong việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra các nước, kể cả trong những giai đoạn heo, gà sản xuất ra đã vượt nhiều lần nhu cầu tiêu thụ trong nước?
Đáng buồn là có quá nhiều rào cản trong việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ra các nước khác, và những rào cản ấy quẩn quanh nhiều thứ: chất lượng, nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh và các chất tồn dư, sự mở đường đúng bài bản của Nhà nước...
Cho đến lúc này, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi các nước với tổng kim ngạch khoảng 30 tỷ USD/năm, trong đó có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Song, đáng buồn là trong số đó sản phẩm của ngành chăn nuôi lại không nhiều. Theo thống kê từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), Việt Nam hiện mới chỉ có 8 cơ sở xuất khẩu sản phẩm thịt heo đông lạnh sang một số thị trường (6 cơ sở giết mổ heo sữa, heo choai xuất khẩu sang Hong Kong - Trung Quốc; 2 cơ sở giết mổ heo sữa xuất khẩu sang Malaysia, khoảng 20 ngàn tấn/năm). Các cơ sở này đều có công suất nhỏ và mới đáp ứng các yêu cầu của Hong Kong và Malaysia. Còn sản phẩm chế biến từ thịt heo (ruốc thịt, giò chả) thì xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Hong Kong, Ma Cao. Cũng theo Cục Thú y, năm 2016 sản lượng thịt heo xuất khẩu chỉ đạt 11 ngàn tấn, trị giá 100 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu đạt 10.600 tấn, trị giá 46 triệu USD. Thịt gia cầm mới được sản xuất và tiêu thụ trong nước, chưa có sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến sang Nhật Bản là Công ty TNHH Koyu & Unitek và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc xuất khẩu thịt không dễ dàng. Trong đó, quan trọng nhất là phẩm chất thịt sản xuất tại Việt Nam thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều quốc gia nhập khẩu. Thiết yếu nhất trong đó là phải hình thành được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn thú y quốc tế. Điều này đến nay vẫn chưa địa phương nào làm được. Bởi dù có quy hoạch vùng chăn nuôi riêng biệt, song các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đan xen trong các vùng quy hoạch, rất khó đạt chuẩn. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp dù có quy mô lớn song nhiều năm qua vẫn chú tâm vào thị trường nội địa, chưa thực sự quan tâm đến thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thịt, từ đó thiếu hẳn sự đầu tư bài bản về chuỗi liên kết trong sản phẩm, khâu chế biến, đông lạnh, vận chuyển, bao bì, thương hiệu... Một vướng mắc khác là ngành thú y cũng chưa có nhiều động thái hỗ trợ trong việc xúc tiến các hoạt động xuất khẩu thịt. Trong xuất nhập khẩu các sản phẩm thịt, sự thống nhất các tiêu chí giữa 2 hoặc nhiều quốc gia là vô cùng quan trọng, chỉ cần lệch vài tiêu chí là khó lòng bắt tay được lâu dài. Ở khía cạnh này, ngành thú y nói riêng và các bộ, ngành liên quan nói chung cần có những việc làm và chính sách mang tính mở đường cho doanh nghiệp thì cánh cửa xuất khẩu đi các nước mới có cơ hội mở ra.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng đang xúc tiến các công tác hỗ trợ cho một vài doanh nghiệp xuất khẩu thịt heo. Song xét trên diện rộng và xét về lâu dài, lĩnh vực này cần những chính sách thông thoáng, dài hơi và căn cơ hơn nữa.
Vi Lâm