Sòng phẳng thông tin và công khai minh bạch thành phần, nguyên liệu, xuất xứ... của sản phẩm thông qua nhãn hàng hóa là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa.
Sòng phẳng thông tin và công khai minh bạch thành phần, nguyên liệu, xuất xứ... của sản phẩm thông qua nhãn hàng hóa là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Nó cũng thể hiện phần nào sự uy tín của nhà sản xuất, không nhập nhèm, đánh lận, không cố tình đánh tráo khái niệm giữa thành phần này với thành phần kia, giữa chất này với chất kia... khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lẫn lộn.
Hình sản phẩm bị thu hồi đăng trên web của FDA. |
Chuyện tưởng như là nhỏ, nhưng không phải. Về cơ bản, người tiêu dùng phải được biết rõ ràng về những gì họ đang ăn uống hay sử dụng, những ảnh hưởng có thể có đến sức khỏe, các chất có thể gây dị ứng, cách bảo quản và tái sử dụng, sản phẩm có được dùng cho trẻ nhỏ hay không... Tất cả những điều này đều được quy định rõ ràng. Đặc biệt, với những mặt hàng đã xuất khẩu thành công và bán trên thị trường quốc tế, nơi những quy định về nhãn hàng hóa vô cùng khắt khe và chặt chẽ. Minh chứng mới nhất là đầu tháng 10 vừa qua, các báo đồng loạt đưa tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Công ty Hong Lee Trading Inc., có trụ sở tại New York (Mỹ), đã ra thông báo thu hồi sản phẩm cà phê hòa tan Wake-up của Vinacafé do có chứa các chất gây dị ứng từ sữa mà không ghi trong thành phần in trên bao bì. Thông tin này sau đó được Vinacafé đính chính là chỉ có 100 thùng hàng (trong tổng số 4.300 thùng) của nhà nhập khẩu Hong Lee Trading thiếu nhãn cảnh báo “sản phẩm chứa nguyên liệu có nguồn gốc từ sữa” và đã được giải quyết bổ sung. Song đây cũng là một trong những bài học của các nhà sản xuất khi đưa hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Thực tế, sự chấp hành pháp luật về ghi nhãn hàng hóa tại Việt Nam chưa nghiêm. Nhiều nhà sản xuất vẫn cố tình mập mờ thông tin thành phần sản phẩm, thay vì ghi rõ tên thành phần thì thay bằng tên hóa học, hoặc nhập nhèm xuất xứ. Mới đây nhất, từ đầu tháng 6-2017, Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung: tên hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa...; kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường. Với lương thực, nhãn hàng hóa bắt buộc phải có định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có); với rượu, phải có định lượng, hàm lượng etanol, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin cảnh báo (nếu có), mã nhận diện lô (nếu có); đối với thuốc lá, thông tin bắt buộc trên nhãn bao gồm định lượng, ngày sản xuất, thông tin cảnh báo, hạn sử dụng và mã số, mã vạch...
Mặc dù quy định rõ ràng, song vi phạm về lĩnh vực này lâu nay vẫn là một trong những vi phạm phổ biến nhất sau các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng. Một trong những quyền rất cơ bản của người tiêu dùng là được thông tin đầy đủ về sản phẩm và có quyền kiện khi nhà sản xuất không thực hiện nghiêm. Hy vọng với các quy định ngày càng chặt chẽ, quyền lợi cơ bản này sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Vi Lâm