Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp. Đây cũng là hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm sửa đổi Nghị định 210 khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.
Đầu tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp. Đây cũng là hội thảo lấy ý kiến các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm sửa đổi Nghị định 210 khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đó, nghị định này đã có hiệu lực được khoảng 4 năm nay với nhiều điều khoản ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, song thực tế số doanh nghiệp tận dụng hoặc được hưởng các ưu đãi từ chính sách này rất ít. Theo tính toán, mới chỉ có khoảng gần 300 tỷ đồng ngân sách từ Trung ương cam kết giải ngân theo nghị định, còn ngân sách địa phương thì rất thấp do không có nguồn vốn để bố trí dù dự án đã được phê duyệt. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai, Lâm Đồng cũng từng đưa ra nhận xét, họ xác định tự lực cánh sinh trong đầu tư từ khâu đất đai đến vốn liếng, công nghệ, chứ không tận dụng được gì từ Nghị định 210 bởi có quá nhiều thủ tục và vướng mắc. Một trong những vướng mắc lớn nhất là nghị định ban hành trước khi các luật quan trọng khác, như: Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp... được sửa đổi, do đó có nhiều nội dung chồng chéo và khó giải quyết.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lại lời ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, cho biết hiện có đến 75% doanh nghiệp nông nghiệp vẫn sử dụng máy móc hết khấu hao và đa phần là máy móc lạc hậu đã sử dụng qua 2-3 thế hệ.
Chính vì vậy, hội thảo vừa qua do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì đã xác định cần sửa đổi nội dung Nghị định 210 nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy đầu tư vào nông nghiệp. Các nội dung mới của nghị định tập trung vào đề xuất cơ chế, chính sách, hỗ trợ gián tiếp là chủ yếu (môi trường đầu tư, thủ tục hành chính). Trong đó, ưu tiên tạo thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, như: khuyến khích bằng cả cơ chế ưu đãi (đất đai, thuế, miễn, giảm...) và chính sách hỗ trợ bằng tiền phù hợp nguyên tắc thị trường, khả năng chi ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ trực tiếp để doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, mua sắm chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia theo các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Nguồn hỗ trợ không chỉ từ ngân sách Trung ương, địa phương mà còn từ các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính đến tháng 9-2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong năm 2015, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể là 2.019, cao hơn 11,3% so với số doanh nghiệp thành lập mới. Mong rằng với những thay đổi sớm, Nghị định 210 có thể tạo thành cú hích cho đầu tư vào nông nghiệp hấp dẫn và dễ dàng hơn.
Vi Lâm