Bộ Công thương vừa có một đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh lớn nhất trong lịch sử, với tổng cộng 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm và trải dài trên hàng chục ngành, nghề, mặt hàng... do bộ quản lý.
Bộ Công thương vừa có một đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh lớn nhất trong lịch sử, với tổng cộng 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm và trải dài trên hàng chục ngành, nghề, mặt hàng... do bộ quản lý.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đây được coi là một bước đi đầy ấn tượng bởi Bộ Công thương hiện đang chịu trách nhiệm khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xét về mặt quản lý Nhà nước. Nhiều ý kiến đánh giá rất cao động thái này, bởi bộ tự nguyện rà soát và cắt giảm chứ không chịu sự chỉ đạo hay áp lực nào. Rõ ràng điều này rất đáng hoan nghênh. Theo báo cáo của tổ công tác rà soát điều kiện kinh doanh thuộc bộ, tính đến ngày 20-9-2017, các đơn vị thuộc bộ đã đồng loạt gửi kết quả rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Tổng số điều kiện kinh doanh mà các đơn vị tiến hành rà soát là 1.216 trong 27 ngành, nghề. Sắp tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát những ngành, nghề còn lại để điều chỉnh tiếp, và đều là những ngành nghề “nóng”, lâu nay vẫn “hành” doanh nghiệp do quá khó khăn trong thủ tục và điều kiện đầu tư, như: xăng dầu, khí, tiền chất thuốc nổ, hóa chất, rượu, thuốc lá, thực phẩm, điện, tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, nhượng quyền thương mại, logistic…
Ngoài ra, bộ cũng cắt giảm đáng kể các thủ tục kiểm tra hàng hóa trước thông quan lâu nay được cho là máy móc và gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp. Hiện tại bộ đã cắt giảm khoảng 58% lượng mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan và sẽ còn tiếp tục rà soát. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tất cả những việc làm này của bộ là nhằm mục đích kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trên hết, đó là một trong những nền tảng cho việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo như mong muốn của các thành viên Chính phủ.
Cải cách luôn cần những khoảng thời gian cần thiết để đi vào cuộc sống. Và thực tế dù “trên” đã có tư tưởng đổi mới rõ rệt, song khi thực hiện, “dưới” áp dụng không ổn, có thể sẽ “tái mọc” các tầng nấc kiểm soát như tiền kiểm hay hậu kiểm, hoặc “đẻ ra” các bước kiểm soát mới khiến động tác cắt giảm dần trở nên vô nghĩa. Trả lời báo Dân trí về việc liệu có hay không tình trạng sau khi cắt giảm các điều kiện kinh doanh, lại “tái mọc” những bước kiểm soát tiếp tục làm phiền doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - người từng đề xuất cắt bỏ hơn 2 ngàn điều kiện kinh doanh, cho rằng có “tái mọc” hay không là ở tư duy. Nếu tư duy còn mang nặng tiền kiểm, sở hữu, kiểm soát và kìm nén, chỉ cho phép doanh nghiệp làm trong phạm vi quản lý được thì chắc chắn “mọc” ngay, “mọc nhiều”. Còn thay vào đó là tư duy điều tiết, thúc đẩy hỗ trợ, thay vì kiểm soát đầu vào thì “tái mọc” sẽ ít đi, thậm chí không còn.
Sẽ còn cần thời gian và nhiều điều kiện khác để những động thái của Bộ Công thương sớm đi vào thực tế. Song, đợt cắt giảm lịch sử này rất đáng hoan nghênh và mong rằng sẽ lan tỏa ra các bộ, ngành khác trên con đường xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch.
Vi Lâm