Báo Đồng Nai điện tử
En

Thách thức của hợp tác xã

10:08, 28/08/2017

Mục tiêu mà Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hướng đến trong kế hoạch hoạt động là đến năm 2020 cả nước sẽ có 15 ngàn hợp tác xã, và 45% số đó hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu mà Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hướng đến trong kế hoạch hoạt động là đến năm 2020 cả nước sẽ có 15 ngàn hợp tác xã, và 45% số đó hoạt động hiệu quả.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lại số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho thấy tính đến hết năm 2016, cả nước có gần 11 ngàn hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 30% hoạt động có hiệu quả. Số lượng thành viên trong hợp tác xã đang có xu hướng giảm, từ mức trung bình 600 xã viên xuống 400 xã viên/hợp tác xã và xu hướng này tiếp tục giảm về dưới 100 xã viên. Thời gian tới, những hợp tác xã có dưới 100 xã viên sẽ có xu hướng tăng lên.

Hiện tại, doanh thu bình quân mỗi năm của mỗi hợp tác xã vào khoảng 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận vào khoảng 200 triệu đồng, thu nhập bình quân là 1,5 triệu đồng/xã viên.

Những thách thức chính của hợp tác xã vẫn là những khó khăn cũ: nhân lực, vốn, phương án vận hành hiệu quả... đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Trong bối cảnh mới, hợp tác xã cũng đứng trước những đòi hỏi phải vận hành tốt thì mới tồn tại được. Hợp tác xã cũng vấp phải những thách thức về vốn, thị trường, chất lượng sản phẩm, bán hàng, marketing... như bao doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, những yêu cầu về cải tổ ngày một sát sao hơn.

Lo ngại lớn và cơ bản nhất có lẽ là về nhân lực. Hầu hết nhân sự của các hợp tác xã hiện nay đều là nông dân và chưa nhiều người tiếp cận được với các công cụ, kiến thức quản lý, vận hành hoặc bán hàng, hoặc nghiên cứu thị trường. Theo đó, đội ngũ cán bộ ban điều hành, lãnh đạo hợp tác xã có trình độ trung cấp trở lên chỉ chiếm 7,4%; thủ quỹ, kế toán của hợp tác xã/tổ hợp tác có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chỉ chiếm 4,5%. Thực tế, chất lượng nguồn nhân lực nói trên khó lòng để các hợp tác xã đáp ứng những yêu cầu thị trường hiện nay.

Tiếp đến, khả năng tiếp cận vốn của các hợp tác xã gần như không cải thiện nhiều. Số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 3% số hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay, trong khi nhu cầu thực tế vào khoảng 60%. Đã có nhiều hội thảo, ý kiến, chỉ đạo nhằm tháo gỡ vấn đề này. Song thực tế rất khó bởi ngân hàng hay quỹ tín dụng là những định chế hoạt động theo quy định rõ ràng, khó có thể “du di” trong quá trình cho vay vốn nếu các hợp tác xã không đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe đi kèm.

Một vấn đề lớn khác là những thông tin và kiến thức mới cần cập nhật cho các hợp tác xã về thị trường, thương hiệu nông sản, yêu cầu của các quốc gia trong việc nhập khẩu hàng hóa, kỹ năng bán hàng... vẫn còn hạn chế so với yêu cầu của thị trường hiện nay.

Không dễ dẹp bỏ các thách thức và nhanh chóng cải thiện những tồn tại để hệ thống hợp tác xã vận hành hiệu quả và chuyên nghiệp là điều không dễ dàng, song cũng không thể chậm trễ hơn nữa khi thị trường nay đã mở rộng cửa và đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều