Sau nhiều lần nâng lên hạ xuống, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chính thức chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2018 lên 6,5%, tương ứng với mức tăng từ 180-230 ngàn đồng (tùy vùng, từ vùng I đến vùng IV là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng).
Sau nhiều lần nâng lên hạ xuống, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chính thức chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2018 lên 6,5%, tương ứng với mức tăng từ 180-230 ngàn đồng (tùy vùng, từ vùng I đến vùng IV là 3,98 triệu; 3,53 triệu; 3,09 triệu và 2,76 triệu đồng).
Quang cảnh buổi họp Hội đồng tiền lương quốc gia - Ảnh: ĐỨC BÌNH |
Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ ngay sau khi công bố phương án trên, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng với phương án tăng trung bình 6,5% thì ở từng vùng sẽ đáp ứng 92-96% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Lương tối thiểu vẫn phải rượt đuổi mức sống tối thiểu.
Quả thật, từ lâu mức lương tối thiểu đã không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Theo tính toán, hiện mức lương mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% mức sống tối thiểu. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết đối với người lao động, như: nhà ở, học hành, giải trí… Mặc dù người lao động đã được hưởng một số chế độ khác nữa, như: tiền tăng ca, ngoài giờ, phụ cấp cùng chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… nhưng so với yêu cầu thực tế, khoảng cách giữa thu nhập và các khoản phải chi trả có sự chênh lệch lớn.
Theo một kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại 17 tỉnh, thành trong cả nước, cho thấy hơn 51% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; trên 20% phải chi tiêu tằn tiện; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% người lao động có tích lũy. Do đó, theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu của năm 2018 phải ở mức 7,3% mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện doanh nghiệp (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) thì mức tăng 6,5% đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Bởi mấy năm gần đây, lương tối thiểu tăng liên tục trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó, năng suất lao động của công nhân chưa cao, gây ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong muốn người lao động chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm để cùng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn này.
Rõ ràng, bên nào cũng có những lý do của mình trong việc tăng hay giảm mức lương tối thiểu. Chính vì vậy, Hội đồng tiền lương quốc gia đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định mức tăng 6,5% cho năm 2018. Phương án này cũng sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện.
Thực ra, lương tối thiểu chỉ là mức sàn nhằm đảm bảo cho những chi phí tối thiểu, chưa phải là tổng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả gia tăng, thu nhập của người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp vẫn còn thấp thì bên cạnh chế độ lương thưởng, người lao động cần sự quan tâm hơn từ doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nhà ở, trường học để chia sẻ bớt gánh nặng cuộc sống. Chỉ có như vậy, người lao động mới yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, ý thức hơn trách nhiệm của mình để nâng cao tính chuyên nghiệp trong công việc được giao.
Minh Ngọc