Dự kiến chỉ vài ngày tới, Bộ Y tế sẽ ký ban hành một quy chuẩn mới làm thay đổi nhãn mác, thông tin, cung cách truyền thông, bán hàng… của hầu hết các hãng sữa trên thị trường hiện nay. Trong tuần qua, thông tin về dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng của Bộ Y tế đã gây ra nhiều ý kiến bàn thảo.
Dự kiến chỉ vài ngày tới, Bộ Y tế sẽ ký ban hành một quy chuẩn mới làm thay đổi nhãn mác, thông tin, cung cách truyền thông, bán hàng… của hầu hết các hãng sữa trên thị trường hiện nay. Trong tuần qua, thông tin về dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng của Bộ Y tế đã gây ra nhiều ý kiến bàn thảo. Dự thảo này được cho là sẽ làm rõ và quy định lại một cách minh bạch hơn các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa tươi, sữa đặc và sữa dạng lỏng được pha từ sữa bột.
Lâu nay, thị trường sữa được coi là một thị trường “nhạy cảm” với doanh số có thể lên đến hàng tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, song lại hàm chứa nhiều điều chưa rõ ràng, đặc biệt là ở mảng minh bạch thông tin với khách hàng. Một trong những bất cập đó là trước giờ nhiều hãng sữa đã nhập nhèm khái niệm, dùng cụm từ “sữa tiệt trùng” (pha từ sữa bột nhập khẩu) để chỉ các loại sữa nước đóng hộp bán trên thị trường, thay vì dùng chính xác tên gọi là “sữa hoàn nguyên” hoặc “sữa hỗn hợp”. Đồng thời, các chiến lược truyền thông luôn cố tình nhập nhèm đánh đồng giữa khái niệm “sữa tiệt trùng” và “sữa tươi nguyên chất”, trong khi trên thực tế sữa tiệt trùng hoàn toàn không phải sữa tươi.
Quy chuẩn đang áp dụng hiện tại cho mặt hàng sữa là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, trong đó không yêu cầu nêu rõ “sữa tiệt trùng” là sản phẩm từ sữa bột hay sữa tươi, truy xuất nguồn gốc thế nào… nên các hãng sữa thường tận dụng kẽ hở này, hướng người mua hiểu rằng sữa tiệt trùng là sữa tươi hoặc sữa có nguồn gốc thiên nhiên hoàn toàn, gây nên sự thiếu minh bạch cho thị trường. Người tiêu dùng đã nhầm lẫn sữa tiệt trùng là sữa tươi nguyên chất trong một thời gian rất dài. Chưa kể, những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa tươi chân thật phải mất nhiều thời gian và chi phí để phân biệt và chứng minh sản phẩm của họ với các loại sữa tiệt trùng trên thị trường.
Dự thảo quy chuẩn mới được cho là sẽ bắt doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sữa phải nêu rất rõ tên gọi chính xác của sản phẩm sữa trên bao bì và trên các hoạt động truyền thông, quảng cáo. Mặt khác, phải ghi rõ thành phần nguyên liệu của sản phẩm. Một số ý kiến cho rằng quy định của bộ sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho các nhà sản xuất, cụ thể phải tốn chi phí in, sửa nhãn mác cùng các chi phí chỉnh sửa trong các hoạt động bán hàng, truyền thông. Song lãnh đạo bộ vẫn quyết tâm làm, và cho rằng chủ trương sửa đổi tên sản phẩm sữa là đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế. Hơn hết, quy định mới này sẽ có lợi cho người tiêu dùng trong “cuộc chiến” đòi lại sự minh bạch của thị trường sữa, lâu nay vốn bị các hãng sữa cư xử khá nhập nhèm trên nhiều khía cạnh: giá, nhãn mác, thông tin, tác dụng... trong khi phần lớn người sử dụng mặt hàng này lại là trẻ em, người già.
Vi Lâm