"Cuộc cách mạng 4.0" là cụm từ gần đây được nhắc nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông, và điều đáng quan tâm nhất là cuộc cách mạng đó sẽ mang đến những thay đổi cốt lõi nào về kinh tế và xã hội?
“Cuộc cách mạng 4.0” là cụm từ gần đây được nhắc nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông, và điều đáng quan tâm nhất là cuộc cách mạng đó sẽ mang đến những thay đổi cốt lõi nào về kinh tế và xã hội?
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Theo Wikipedia tiếng Việt, loài người hiện đại đã trải qua 3 cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lớn. Đầu tiên là cách mạng công nghiệp lần thứ 1 (từ năm 1784) xảy ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề, như: dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông - vận tải. Động cơ hơi nước được đưa vào ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Thứ 2 là cách mạng công nghiệp lần thứ 2 (từ năm 1870) đến khi loài người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (từ năm 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng là từ cuộc cách mạng này.
Giờ đây, người ta đang nhắc về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ, như: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Rất khó để hiểu tường tận những khái niệm thuộc về công nghệ và kỹ thuật gắn với cuộc cách mạng mới này, song nôm na là, với những công nghệ mới siêu việt, con người sẽ bị tước đi các cơ hội việc làm trong các ngành kinh tế một khi công nghệ mới được ứng dụng, máy móc và robot làm thay tất cả.
Chẳng hạn ở lĩnh vực lao động phổ thông, như: dệt may, da giày…, các tập đoàn có thể đầu tư vào hệ thống robot thế hệ mới làm việc ở hầu hết các công đoạn, robot không biết mệt mỏi, không đòi hỏi các chế độ tiền lương, phúc lợi, bảo hiểm… Điều này dẫn đến con người mất cơ hội việc làm và những quốc gia như Việt Nam mất dần lợi thế về nhân công trẻ, nhân công giá rẻ.
Báo điện tử VnExpress dẫn lại báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho khoảng 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.
Ví dụ cơ bản này cho thấy những ứng dụng của cuộc cách mạng 4.0 là vô biên khi công nghệ thay thế con người, các quốc gia cũng sẽ đứng ngoài cuộc chơi nếu họ không có những thay đổi kịp thời. Các lĩnh vực kinh tế khác, như: vận tải, sản xuất hàng hóa, nông nghiệp… cũng sẽ có những đổi thay tương tự mà ta có thể thấy qua “cuộc chiến” khắp thế giới giữa các hãng taxi truyền thống và các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao như Uber hay Grab.
Tuy nhiên, Uber hay Grab dù sao cũng chỉ đang dừng ở mức chuyển giao công việc từ người này sang người khác chứ chưa hoàn toàn “lấy” đi toàn bộ công việc của một người tài xế. Trong tương lai, với những đề án “xe không người lái” mà một số quốc gia đang thử nghiệm, tài xế có thể sẽ hoàn toàn mất việc.
Vi Lâm