Báo Đồng Nai điện tử
En

Bần cùng và tích tụ

10:06, 26/06/2017

"Tích tụ ruộng đất" được coi là một trong những điểm nghẽn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển mình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thực sự.

“Tích tụ ruộng đất” được coi là một trong những điểm nghẽn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển mình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thực sự.

Khái niệm này và những hệ quả của nó cũng là một trong những vấn đề gây tranh luận trong nghị trường Quốc hội tại kỳ họp tháng 6-2017. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định trong phát biểu của mình rằng Chính phủ Việt Nam “tích tụ ruộng đất nhưng không để nông dân mất việc”.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn là liệu tích tụ ruộng đất có gây bần cùng hóa cho người nông dân không, khi họ dần mất đi việc làm trên đồng ruộng? Thực tế, số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã giảm từ 70% xuống còn 43% trong vòng 30 năm qua. Khi nông nghiệp chuyên môn hóa sâu, máy móc và công nghệ thay con người, thì liệu người nông dân sẽ đứng đâu trong tiến trình thay đổi sâu sắc đó?

Bộ trưởng Cường khẳng định, mục tiêu tích tụ ruộng đất là để kích thích sản xuất chứ không phải để nông dân mất việc làm, và tại nghị trường ông cũng phân tích rằng Nhà nước đã giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho nông dân, nông dân có quyền chuyển nhượng và quyền sử dụng.

Trên thực tế, tích tụ ruộng đất đã diễn ra chủ yếu giữa người dân với người dân. Tuy nhiên, người dân tích tụ ở quy mô vừa phải thì làm được, nhưng với quy mô lớn thì không quản lý có hiệu quả và không bán được sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp, thực tế doanh nghiệp không phải muốn tập trung nhiều đất vì với trình độ phát triển khoa học - công nghệ như hiện nay, đất đai chỉ là một phần tư liệu sản xuất, còn lại là sự đóng góp của công nghệ, đầu tư và quản trị (nguồn: Saigon Times).

Thực tế, số lượng người làm nông nghiệp của Việt Nam hiện tại vẫn rất lớn với 23 triệu người (số liệu từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn năm 2016) và những gì bộ trưởng trả lời trước Quốc hội vẫn chưa đủ để giải quyết câu hỏi làm thế nào để nông dân không mất việc, không bị bần cùng hóa khi ruộng đất tích tụ lớn, máy móc thay con người?

Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tỏa ra các lĩnh vực khác của đời sống, và dự đoán sẽ nhanh chóng “lan” đến nông nghiệp. Tại các quốc gia phát triển, một cánh đồng rộng hàng trăm hécta có khi chỉ cần vài lao động, khi việc phun thuốc bón phân đã có các công ty dịch vụ nông nghiệp có khả năng sử dụng cả trực thăng để phun thuốc cho cây trên một diện tích lớn.

Cạnh tranh trong môi trường quốc tế đòi hỏi giá thành nông sản phải giảm tối đa, tích tụ ruộng đất để xử lý các khâu trồng trọt bằng công nghệ là một phần trong sự nỗ lực cạnh tranh đó, và càng ít phải trả tiền nhân công thì càng tốt. Điều này dù muốn dù không sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm của nông dân nếu ruộng đất được tích tụ đủ lớn, đủ nhiều.

Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hứa sẽ cùng Chính phủ đánh giá lại các yếu tố này và có những chính sách phù hợp. Hy vọng, câu chuyện chuyên nghiệp hóa ngành nông nghiệp và đảm bảo đời sống cho hàng chục triệu nông dân sẽ có lối ra tích cực.

Vi Lâm

Tin xem nhiều