Với những cải tiến không ngừng về giống, kỹ thuật chăm sóc, lai tạo, thúc ép sinh trưởng... có lẽ chưa bao giờ năng suất của ngành nông nghiệp lại đạt mức cao như hiện nay. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy "vua tiêu", "vua bắp", "vua đậu nành", "vua lúa", "vua mì"... với năng suất tính trên 1 hécta đã vượt gấp đôi,...
Với những cải tiến không ngừng về giống, kỹ thuật chăm sóc, lai tạo, thúc ép sinh trưởng... có lẽ chưa bao giờ năng suất của ngành nông nghiệp lại đạt mức cao như hiện nay. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy “vua tiêu”, “vua bắp”, “vua đậu nành”, “vua lúa”, “vua mì”... với năng suất tính trên 1 hécta đã vượt gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần so với trước.
Chiến dịch “Chuối nghĩa tình” mua chuối già hương ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: H.QUÂN |
Và rồi, cũng chưa bao giờ nông sản lại cần đến nhiều cuộc “giải cứu” như hiện tại. Các cuộc cứu bắp, cứu dưa, cứu chuối, cứu vải, cứu cà chua... liên tục diễn ra từ Bắc chí Nam. Lúc này, quyết định mua sản phẩm của người tiêu dùng còn chất chứa thêm nhiều nguyên nhân tinh thần khác, như: lòng trắc ẩn, sự sẻ chia chứ không đơn thuần chỉ là hành vi mua hàng khi cần.
Lúc này, người ta nghĩ đến những lời ca ngợi về năng suất nông sản của người nông dân, và không thể không đặt ra câu hỏi liệu họ đã sai ở khâu nào khi năng suất càng cao, họ càng lỗ nặng những khi thị trường chỉ hơi biến động?
Rõ ràng, sản xuất nông sản hiện đang tập trung ở khâu “làm” nhiều hơn là khâu “bán”. Đổi giống, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, thúc ép cây ra trái… cũng chỉ đang nhắm vào việc tăng năng suất lên đến mức tối đa, mà “quên” rằng ai sẽ mua hết những sản phẩm họ làm ra? Sau hàng chục năm đổi mới cách sản xuất nông nghiệp, buồn thay cách mà người nông dân bán nông sản lại chưa có nhiều thay đổi. Họ vẫn chỉ biết làm, làm, làm và chờ đợi thương lái vào tận vườn ra giá. Những so sánh nếu có cũng chỉ so được với khu vườn hàng xóm, hoặc rộng hơn là so với giá cả trong một vùng rất nhỏ. Họ gần như hoàn toàn không có thông tin chung về mặt hàng họ đang làm, mức áng chừng nhu cầu tiêu thụ để có những điều chỉnh hoặc những giải pháp dự phòng phù hợp. Năng suất tăng quá mạnh nhưng những cách xử lý khi hàng bán ế cũng vẫn rất thô sơ, hoặc bán rất rẻ cho ai chịu mua, hoặc tự đẩy vài xe hàng lên thành phố vớt vát được đồng nào hay đồng nấy, hoặc bỏ luôn để trái chín rục trong vườn vì giá bán chẳng bù lại được công thuê người thu hoạch.
Gần đây, nhờ mạng xã hội, các chiến dịch “giải cứu” diễn ra, các điểm bán tự phát giúp họ tiêu thụ thêm chút đỉnh hàng ế. Song, có quá nhiều hệ lụy đằng sau những cuộc giải cứu đó, vạch ra rằng cần phải có những cách làm rất căn cơ cho lâu dài. Đầu tiên, lòng trắc ẩn của người tiêu dùng sẽ nhạt đi, họ sẽ dần không còn cảm xúc muốn mua những mặt hàng mang tính cứu giúp nữa, vì hết chuối lại đến dưa, hết dưa lại đến vải. Thứ 2, những điểm bán nông sản mọc lên nhiều nơi trong thành phố là những câu hỏi để ngỏ về mặt bằng, thuế, chất lượng hàng hóa... Vì dù là quầy hàng “giải cứu”, vẫn phải tuân theo các quy định về kinh doanh mà một sạp hàng trái cây bình thường phải làm, không thể có ngoại lệ lâu dài. Thứ 3, dù chưa biết lỗi thuộc về khâu nào, nhưng qua một số cuộc giải cứu, đâu đây đã có nhiều người tiêu dùng than phiền về chất lượng chuối, dưa… và thẳng thắn nhìn nhận, nó sẽ dần làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Và cuối cùng, nông dân cần phải có cái nhìn thẳng thắn và tự trọng về công việc của mình, không thể cứ trồng tràn lan, đẩy cao năng suất rồi chờ… giải cứu, chưa kể thực chất, số lượng nông sản tiêu thụ được không nhiều so với số lượng tồn.
Về mặt tinh thần, các cuộc giải cứu nông sản thời gian qua đã làm tốt công việc động viên, khích lệ người nông dân trong những lúc ngặt nghèo. Tuy vậy, họ cần có cái nhìn thực tế, khách quan về chính mảnh vườn của mình, bỏ dần tư duy “chờ cứu, chờ hỗ trợ” bao năm nay đã ăn sâu vào suy nghĩ của không ít người. Bước vào hội nhập, thật ra cái cần thay đổi nhất chính là tư duy, những yếu tố khác chỉ là phụ. Trong đó, để sản xuất nông nghiệp biến thành một nền sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp như mong muốn của Chính phủ, thì đầu tiên nông dân phải trở thành những nhà sản xuất - bán hàng chuyên nghiệp, sẽ thắng khi tính toán đúng và nhận thua khi tính toán sai. Tương tự, một doanh nghiệp sản xuất giày phải tính toán và lo liệu làm sao để sản xuất 10 đôi bán được 10 đôi, vì họ không thể kêu gọi người tiêu dùng “cứu giày” khi hàng ế.
Vi Lâm