Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương trong một bài phỏng vấn trên Báo Đồng Nai về khởi nghiệp, kể ông từng tham gia dự án nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng năm 1996 - thời điểm Việt Nam đổi mới được 10 năm và Luật Doanh nghiệp ra đời chưa lâu.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương trong một bài phỏng vấn trên Báo Đồng Nai về khởi nghiệp, kể ông từng tham gia dự án nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng năm 1996 - thời điểm Việt Nam đổi mới được 10 năm và Luật Doanh nghiệp ra đời chưa lâu. “Và chúng tôi luôn chỉ đặt ra một câu hỏi khi đi khảo sát bất cứ vùng nào: người dân ở đó có tinh thần khởi nghiệp hay không? Nếu không, thì dù có viện trợ cỡ nào thì cũng không đủ. Quan trọng nhất là người dân có chịu làm ăn hay không, có chịu khởi nghiệp không?” - ông Chương cho biết.
Thời điểm đó, ông Chương về Việt Nam với 3 giáo sư đại học Mỹ, nghiên cứu khắp Việt Nam và chỉ sau 1 tuần, các giáo sư đi cùng nói với ông: chưa bao giờ thấy ở đâu không khí làm ăn sôi động như ở đây, y hệt Hong Kong những năm 1960 thế kỷ trước.
Tinh thần khởi nghiệp này mấy năm gần đây được khơi gợi và chú ý một cách rõ rệt qua con số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, qua phát biểu của những vị đứng đầu Chính phủ trên các diễn đàn mà đáng chú ý nhất là mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp trong những năm cận kề sắp tới.
Mong muốn là một chuyện, nhưng để nuôi dưỡng và kích thích phong trào khởi nghiệp, Việt Nam cần làm rất nhiều việc trước mắt lẫn lâu dài. Trong hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017 diễn ra cách đây mấy ngày, Chính phủ đã đưa ra vài con số đáng chú ý. Cụ thể, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua có những thay đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thế nhưng chỉ số về môi trường kinh doanh vẫn xếp ở mức trung bình - điều đáng quan tâm đối với một quốc gia đề cao khởi nghiệp. “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới xếp hạng trong 3 năm (2014-2016) của Việt Nam là 82, song vẫn còn một số tiêu chí bị đánh giá thấp, trong đó có: khởi sự kinh doanh đứng thứ 121; thuế, bảo hiểm xếp thứ 167; giải quyết tranh chấp, phá sản là 125. “Để lọt vào ASEAN-6 Việt Nam phải tiến tới vị trí xếp hạng 56, còn nếu vào được ASEAN-4 thì phải đứng thứ 43 thế giới” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Chính vì vậy, mục tiêu của Chính phủ vẫn là cải thiện môi trường kinh doanh và trước mắt phải hoàn thiện chính sách để từng bước tạo một môi trường tốt cho khởi nghiệp để thúc đẩy và nuôi dưỡng những ý tưởng kinh doanh.
Nhưng, một doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ cần gì? Theo ông Chương, đó là việc xây dựng cả một hệ sinh thái về chính sách và môi trường làm ăn, bao gồm: chính sách, nguồn cấp vốn, nhân sự, kế toán, marketing, nghiên cứu thị trường… Ví dụ, một doanh nghiệp tại Mỹ muốn mở rộng một thị trường mới, khi anh ta bày tỏ nhu cầu thì thị trường đã có sẵn những nguồn cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường mới đó, với những điều kiện cung ứng cho doanh nghiệp đó khi làm việc tại thị trường nọ. Một doanh nghiệp không tự làm được tất cả. “Hệ sinh thái” sẽ giúp các ý tưởng khởi nghiệp và các doanh nghiệp non trẻ vận hành và tồn tại. Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, không gì bằng việc nghiên cứu và cung cấp cho họ môi trường đó. Đất nước phát triển kinh tế được hay không nằm ở chỗ Nhà nước quyết định ưu tiên và phân bổ nguồn lực vào đâu, có phân đúng vào nơi mà tinh thần khởi nghiệp đang sôi sục hay không. Nội lực chỉ có khi sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không quá ưu tiên thành phần nào.
Trong bài phỏng vấn đầu năm, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng nhận xét từ năm 2016, tinh thần khởi nghiệp đã được Chính phủ đẩy lên cao. Và từ năm 2017, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những việc quan trọng nhất để hỗ trợ khởi nghiệp, để khi một doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, họ nhận được bệ đỡ phù hợp từ chính sách, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, cấp vốn, lãi suất… đủ để nuôi dưỡng lớn mạnh một công ty.
Vi Lâm