Sự kiện 22 cửa hàng bán lẻ hàng công nghệ của Thế giới di động được yêu cầu rút khỏi hệ thống siêu thị BigC diễn ra vào trung tuần tháng 9 vừa qua được coi là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự phân hóa trên các kệ hàng bán lẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Sự kiện 22 cửa hàng bán lẻ hàng công nghệ của Thế giới di động được yêu cầu rút khỏi hệ thống siêu thị BigC diễn ra vào trung tuần tháng 9 vừa qua được coi là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về sự phân hóa trên các kệ hàng bán lẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Đơn giản là vì BigC sau một thương vụ lớn đã thuộc về Tập đoàn Central Group tại Thái Lan. Trước đó, Central mua cổ phần Nguyễn Kim, do đó sau khi mua lại BigC, tập đoàn này phải dành chỗ cho “gà cùng một mẹ”.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Đó chỉ là một khía cạnh nhỏ trong tính dân tộc trên lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng nói riêng và nhiều lĩnh vực kinh tế khác nói chung. Sau khi mua lại cổ phần chi phối của các nhà bán lẻ trong nước, nhiều hệ thống bán lẻ của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… không chỉ dành chỗ cho những doanh nghiệp đồng hương, mà các kệ hàng cũng ưu tiên bán hàng của họ một cách công khai, thậm chí “xử ép” chính hàng Việt Nam bằng việc nâng tỷ lệ chiết khấu khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước nản lòng, bỏ cuộc.
Không thể trách móc gì bởi họ luôn chơi đúng luật. Thực tế, chỉ một BigC hay một Metro thì sức chi phối thực sự đến thị trường nhìn chung không quá lớn. Song nhìn lại, Việt Nam không được bao nhiêu chuỗi siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng bán lẻ 100% vốn trong nước để hỗ trợ về lâu về dài cho hàng Việt, như cách mà BigC đang hỗ trợ hàng Thái dù là một cách âm thầm. Chưa kể, ở một thị trường mà độ “mở” đã và đang ngày càng cao lên, rộng ra thông qua 14 hiệp định đối tác thương mại song phương lẫn đa phương như Việt Nam, thì hàng Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn rất nhiều nếu thiếu hẳn những nơi “nương tựa” như Co.opmart hay Vingroup - những nhà bán lẻ có vốn trong nước.
Điều này đặt ra một vấn đề là làm sao để xây dựng được những chuỗi cung ứng bài bản từ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đến nhà bán lẻ, để 2 bên cùng hài lòng và có lợi khi hợp tác kinh doanh. Những chuỗi liên kết này sẽ làm mạnh lên nội lực của nhiều phía - điều mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã làm từ rất lâu.
Khi khuyến khích người dân trong nước dùng hàng Việt, những người thực hiện đã viện đến yếu tố dân tộc, trong đó “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - như cách mà Hàn Quốc từng làm trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Tính dân tộc nay vẫn được các nhà bán lẻ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản vận dụng trong cung cách làm ăn của họ. Đây cũng là điều mà những nhà bán lẻ, nhà sản xuất trong nước nên xem xét một cách bài bản và nghiêm túc giữa thời buổi cạnh tranh khốc liệt về hàng hóa.
Vi Lâm