Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giấc mơ" của thời trang Việt

10:09, 12/09/2016

Từ mấy tháng nay, người tiêu dùng tại TP.Hồ Chí Minh hào hứng chờ đợi nhãn hàng Zara chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ngày mở cửa đầu tiên 8-9, khách hàng chen lấn để được mua những món đồ thời trang hàng hiệu xuất xứ từ Tây Ban Nha.

Từ mấy tháng nay, người tiêu dùng tại TP.Hồ Chí Minh hào hứng chờ đợi nhãn hàng Zara chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ngày mở cửa đầu tiên 8-9, khách hàng chen lấn để được mua những món đồ thời trang hàng hiệu xuất xứ từ Tây Ban Nha. Ông chủ thương hiệu Zara cũng đã vươn lên thành tỷ phú giàu nhất thế giới, vượt qua cả người sáng lập thương hiệu Microsoft - Bill Gates. Cửa hàng Zara tại Vincom Center có tổng diện tích 2.400m2, trải rộng ở 2 tầng với hơn 1.800 m2 không gian thương mại. Sắp tới, nhãn hàng hiệu bình dân từ Mỹ H&M cũng sẽ mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu mua sắm thời trang của thị trường mới nổi này. Trước nay, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thường đặt hàng các nhãn hàng hiệu bình dân này từ Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản… và chờ cả tháng trời mới có hàng. Sự có mặt của những nhãn hàng này bên cạnh yếu tố kinh doanh còn là một trong những minh chứng cho thấy thị trường Việt Nam được đánh giá cao hơn về xu hướng, sức mua, độ “chịu chi” cho hàng hóa.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Bàn chuyện Zara, để thấy chạnh lòng cho thời trang Việt. Mặc dù mọi so sánh là khập khiễng, và một quốc gia kinh tế phát triển thấp thì khó có thể ghi tên vào nhóm những quốc gia có tên tuổi trong làng thời trang. Song, nhiều năm nay thời trang Việt cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc lấy lòng người tiêu dùng trong nước, nhưng có khá ít thương hiệu đủ mạnh để phổ biến trên thị trường nội địa, chưa nói đến xuất khẩu thương hiệu.

Nói về kinh nghiệm và kỹ thuật may, có lẽ Việt Nam cũng có tên tuổi khi đã có hàng chục năm kinh nghiệm gia công cho những thương hiệu thời trang đình đám nhất. Nhưng phát triển thương hiệu, mở chuỗi cửa hàng, cập nhật mẫu mã, quảng cáo, dịch vụ… vẫn là điểm yếu bao năm nay mà ít có nhãn hàng Việt Nam nào vượt qua được, vậy nên vẫn phát triển ở dạng manh mún, nhỏ lẻ. Khách quan mà nói, các nhãn hàng: Việt Tiến, Hagatini, Sifa, Blue-Exchange, Juno cũng có ưu thế... Song, yếu tố đáng ngại là thời trang Việt vốn còn non trẻ, lại đang đứng trước nhiều sự cạnh tranh lớn đến từ Trung Quốc, Thái Lan và nay là nhiều thương hiệu đình đám từ Mỹ, Tây Ban Nha, Anh, như: Zara, H&M, Mango, Topshop… Với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/món hàng, những nhãn hàng hiệu bình dân này cũng chỉ có giá tương đương nhiều nhãn hàng thời trang Việt Nam, nhưng hơn hẳn về thương hiệu, mẫu mã và sự “sành điệu” - điểm quan trọng trong thời trang.

Thực ra, những nhãn hàng hiệu cao cấp, như: Louis Vuitton, Prada, Gucci… đã vào Việt Nam từ lâu, song do mức giá quá cao nên gây ảnh hưởng không quá lớn đến những thương hiệu thời trang Việt đang vất vả cạnh tranh. Những nhãn hàng đó dường như chỉ đáp ứng nhu cầu cho một số lượng nhỏ những người tiêu dùng thượng lưu. Song Zara, Mango, H&M, Pull & Bear… sẽ gây lo lắng nhiều cho những nhãn hàng Việt lâu năm đã định hình trên thị trường bởi mức giá tương đương. Giờ thì chưa, nhưng về lâu dài nếu không có những nỗ lực mới thì thời trang Việt sẽ lùi dần trên con đường chiếm lĩnh thị trường khi hàng thời trang vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn và càng rẻ.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều