Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân đo đong đếm

11:09, 19/09/2016

 Dư luận chưa hết nóng với sự cố môi trường của Formosa Hà Tĩnh, lại nóng  với ý định thực hiện dự án thép trị giá hơn 10 tỷ USD của Hoa Sen Group bởi những lo ngại quá lớn về ô nhiễm môi trường.

 Dư luận chưa hết nóng với sự cố môi trường của Formosa Hà Tĩnh, lại nóng  với ý định thực hiện dự án thép trị giá hơn 10 tỷ USD của Hoa Sen Group bởi những lo ngại quá lớn về ô nhiễm môi trường.

Ở đây chỉ bàn đến khía cạnh là dường như đây đó, các địa phương đang có những ưu đãi rất lớn, rất lâu dài cho nhiều dự án tỷ USD với mục đích kéo bằng được dự án về cho địa phương mình. Câu hỏi đặt ra là, những lợi ích chính nào mà một địa phương sẽ nhận được khi đón chào một dự án? Về cơ bản, có một số lợi ích chính: giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương; thu ngân sách thông qua thuế, phí, tiền cho thuê đất và cả lợi ích về… thành tích thu hút đầu tư.

Đầu tiên, bàn về khía cạnh thu ngân sách. Rõ ràng, địa phương nào cũng nhắm đến điều này khi cấp phép dự án. Song, với rất nhiều ưu đãi “khủng” lên đến hàng chục năm, nhiều dự án “hoành tráng” chẳng những không mang lại đồng nào cho ngân sách địa phương, mà còn làm địa phương tốn kém hơn cho các khoản chi, như: chi phí để có đất sạch cho dự án, giảm thuế, miễn thuế, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ dự án, xây dựng các công trình dân sinh phụ trợ cho dự án… Tùy theo thỏa thuận của từng địa phương và từng dự án có “khéo léo” hay không để mà cân đong được lợi ích từ các dự án khủng. Tuy nhiên, thật khó thấy được những lợi ích đó ở những dự án được ưu đãi đủ thứ trong 50 năm, thậm chí là 70 năm. Một chặng đường quá dài để có thể tính toán xem thực sự các dự án đó có đáng để phê duyệt hay không, dù có viện dẫn bằng những giá trị vô hình khác, như: góp phần phát triển công nghiệp nặng, phát triển công nghiệp ô tô, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Từng có những bài học đau đớn, như dự án Formosa Hà Tĩnh chẳng hạn. Trong một bối cảnh nào đó, “kéo” về cho địa phương một dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô quá lớn cũng nằm trong nỗ lực của địa phương, song nhìn nhận lại những “ưu đãi vượt khung” thì mới tá hỏa vì đất nước có “được” chút gì đó thì cũng phải đến hơn... nửa thế kỷ sau mới nhìn ra. Còn lại, trước mắt chỉ có thể giải quyết một phần việc làm cho một bộ phận lao động địa phương, và... hết. Chưa kể, những công nghệ xử lý môi trường của những dự án quá lớn dường như cũng đang vượt quá trình độ thẩm định và trình độ kiểm soát của nhiều nơi, nhiều ngành, do đó càng làm cho những ông chủ lớn dễ dàng đưa dự án vào hơn nữa.

Dù có thừa nhận hay không thì đã và đang có một “cuộc đua” ngấm ngầm giữa các địa phương trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, từng có dự án bị từ chối ở địa phương này do có những lo ngại về môi trường, thì lại được trải thảm chào đón ở nơi khác. Mặc dù tuân theo những luật lệ chung, song quá trình rà soát các dự án còn lệ thuộc rất nhiều vào quan điểm, trình độ, tình hình thực tế của từng địa phương. Gần đây, một số địa phương đã có chính sách mới trong thu hút đầu tư, siết chặt hơn các yêu cầu về dự án để bảo vệ môi trường và thẳng thắn từ chối những dự án không đảm bảo yêu cầu. Tuy vậy, sông, biển, rừng, không khí là tài sản của quốc gia, dân tộc và để bảo vệ chúng cần một sự “khó tính” chung, đồng bộ hơn, chứ không chỉ riêng địa phương nào.

Vi Lâm

Tin xem nhiều