Báo Đồng Nai điện tử
En

Cái hại của tính tiện lợi

10:09, 05/09/2016

Một vị cựu giám đốc Sở Công thương từng nói vui trong buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm có tính chuyên ngành về xây dựng chợ, rằng có ngôi chợ thành công chỉ vì "không xây bãi giữ xe".

Một vị cựu giám đốc Sở Công thương từng nói vui trong buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm có tính chuyên ngành về xây dựng chợ, rằng có ngôi chợ thành công chỉ vì “không xây bãi giữ xe”. Mở ngoặc một chút, “thành công” ở đây có nghĩa là bỏ tiền tỷ (từ nguồn tư nhân xã hội hóa hoặc từ ngân sách) ra xây chợ xong xuôi mà tiểu thương chịu vào buôn bán, người dân chịu vào mua sắm.

Trong khoảng chục năm lại đây, nhiều ngôi chợ tiền tỷ tại Đồng Nai được xây dựng khang trang, sạch sẽ và phù hợp với quy hoạch, nhưng xây xong dân lại không vào. Thậm chí có những chợ “éo le” đến mức người bán trải chiếu ra bán hàng ngay cổng chợ, người mua “xẹt qua xẹt lại” mua hàng, nhưng tiểu thương vẫn kiên quyết không dọn vào chợ cho sạch sẽ và quy mô hơn, thịt ra thịt, rau ra rau, cá ra cá. Vì sao như thế? Nhiều ý kiến cho rằng việc xây chợ thất bại là do ý chí của người làm mà chưa quan tâm đến tâm lý người mua, dẫn đến việc chợ tự phát thì bùng lên khắp nơi, từ hẻm hóc đến ngã ba, ngã tư đường, trong khi chợ chính thống xây dựng lên lại trùm mền ế ẩm. Nhưng liệu có phải lỗi lầm chỉ thuộc về phía chính quyền?

Thực ra, một trong những khía cạnh sâu xa trong phong cách sống nói chung và hành vi mua sắm nói riêng của người tiêu dùng Việt Nam là “thích tiện lợi”. Họ muốn chợ phải nằm ngay ngã tư, hoặc bên vệ đường với đủ hàng rau, cá, mắm, thịt, để khi đi ngang chỉ cần tấp xe vào, mua mua bán bán trong 5-10 phút rồi chạy đi. Họ không muốn vào những ngôi chợ được quy hoạch rõ ràng trong một khu rộng lớn vì phải gửi xe, trả phí giữ xe rồi đi bộ vào khu nhà lồng để mua rau, mua thịt, vì ngại “bất tiện, tốn thời gian”. Nhiều người tiêu dùng không bận tâm đến an toàn giao thông, sự lộn xộn trong mua bán, thậm chí là chất lượng và trọng lượng hàng hóa không được kiểm soát khi mua ở chợ tự phát cập mé lề đường. Họ đề cao tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, đó là lý do vì sao tất cả các ngôi chợ đều tồn tại một nghịch lý là những con đường vây quanh chợ chính, theo nguyên tắc không được buôn bán, thì đều vô cùng xôm tụ. Ví dụ tại chợ Biên Hòa, Tân Hiệp, Hóa An... tình trạng người bán trải tấm ny-lông làm sạp, đẩy xe hàng tràn ngập các con đường nhỏ dẫn vào chợ, “hốt” khách mua còn nhiều hơn những tiểu thương mua sạp trong nhà lồng chính để kinh doanh. Người tiêu dùng mê mệt tính tiện lợi đến mức ngay cả những lối đi nhỏ hẹp trong nhà lồng, len lỏi giữa các sạp hàng rau, cá, thịt... vẫn có nhiều người mua bất chấp quy định chạy xe máy vào tận sạp, chỉ để đỡ mất công gửi xe.

Sự thành công của một ngôi chợ tại một địa phương ở Đồng Nai, qua câu chuyện vui của vị cựu giám đốc cơ quan quản lý chuyên ngành, cũng không nằm ngoài nguyên do đáp ứng được tính “tiện lợi”. Đó là chợ này xây các sạp hàng và lối vào nhà lồng chính rộng rãi và người mua có thể rà xe máy vào tận sạp. Chỉ thế mà thôi, hoàn toàn không có thêm “bí quyết” nào cao siêu cả. Song ông này cũng nói thêm, thật khó để “nhân rộng” bí quyết thành công này bởi không phù hợp với những tiêu chí mà một ngôi chợ truyền thống thời hiện đại hướng đến: sạch sẽ, an toàn, hiện đại. Khó hình dung việc khách hàng nào cũng rà xe máy khắp các khu chợ để mua hàng dẫn đến thiếu an toàn và lộn xộn.

Vậy nên, cân bằng giữa tập quán mua sắm và những tiêu chí khoa học, hiện đại trong xây dựng chợ, luôn là một thử thách lớn với những người quản lý.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều