Một điều khá khôi hài là khi càng nhiều phương pháp khoa học, chất hóa học được phát minh ra cho nông dân đỡ khổ, giảm bớt các quy trình canh tác truyền thống, thì người tiêu dùng lại càng "xa lánh" sản phẩm mà họ làm ra.
Một điều khá khôi hài là khi càng nhiều phương pháp khoa học, chất hóa học được phát minh ra cho nông dân đỡ khổ, giảm bớt các quy trình canh tác truyền thống, thì người tiêu dùng lại càng “xa lánh” sản phẩm mà họ làm ra.
Về cơ bản, thuốc trừ sâu được phát minh và sử dụng rộng rãi để bớt công làm cỏ, các loại phân bón hóa học tạo dinh dưỡng cho đất được nhân rộng với giá rẻ để đỡ tốn công làm đất và gieo trồng được nhiều vụ mùa hơn. Thậm chí, khoa học can thiệp đến cả khâu giống cây trồng với những phương pháp biến đổi gen, tạo nên các giống siêu năng suất…
Nhưng đại đa số nông dân vẫn nghèo, và hơn thế nữa, sản phẩm được làm ra từ những cánh đồng “đầy khoa học” lại đang bị chính người tiêu thụ nghi ngờ. Gần đây, rất nhiều người săn lùng gạo từ Campuchia để mua dùng hàng ngày dù giá cao hơn khá nhiều so với các loại gạo phổ biến được trồng trong nước. Thị trường “gạo Cam” phát triển mạnh, len lỏi vào từng sạp chợ khiến nhiều người thắc mắc, lẽ nào một quốc gia xuất khẩu gạo ở tầm nhất nhì thế giới mà người dân lại săn lùng gạo từ quốc gia láng giềng về dùng cho bữa cơm hàng ngày?
Thực tế, theo phân tích, trào lưu chuộng “gạo Cam” cũng chỉ xuất phát từ nguyên nhân người tiêu dùng mong muốn được dùng gạo sạch, không hóa chất mà thôi.
Theo đó, nông dân Campuchia thường trồng giống lúa mùa, kéo dài đến 6 tháng/vụ, và một năm chỉ canh tác được 1 vụ mùa nên thời tiết thuận lợi hơn, ít sâu bệnh hơn, ít phải bón phân và thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, thường những giống trồng dài ngày có chất lượng ngon hơn giống ngắn ngày. Trong khi đó, ở Việt Nam nông dân đã tăng từ 1-2 vụ/năm lên 3 vụ/năm từ lâu. Đất được tận dụng một năm 3 mùa vụ nên gạo chủ yếu sản xuất từ giống ngắn ngày. Để cho năng suất cao hơn nữa, người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ khi được “nâng đỡ” bởi phân và thuốc thì đất mới có khả năng cung cấp dinh dưỡng liên tục để đổi lấy 1 năm 3 vụ thu hoạch. Chưa kể, gạo Campuchia đã trở nên nổi tiếng trên thế giới bởi 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu để trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan).
Trên các báo, giáo sư Võ Tòng Xuân tính toán, giống lúa từ Campuchia xuất khẩu được 800 USD/tấn, mỗi hécta sản xuất chỉ được khoảng 3 tấn/năm, xay ra gạo chỉ còn được 1,5 -1,8 tấn gạo thì mỗi năm được gần 1.600 USD/tấn gạo. Trong khi gạo Việt Nam mỗi hécta sản xuất được 4-6 tấn, một năm 3 vụ, đạt khoảng 12-18 tấn/hécta, mỗi tấn gạo Việt Nam mình có giá khoảng 450 USD, cho thu nhập cao hơn nhiều lần của Campuchia.
Chỉ vài phép tính đơn giản đó để thấy, lựa chọn tiếng tăm hay thu nhập là điều khá khó khăn với nông dân. Tuy nhiên, về đường dài, việc xây dựng thương hiệu gạo nói riêng và nông sản nói chung là vô cùng cần thiết để bảo vệ chính thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Bởi lâu dần, người tiêu dùng sẽ đòi hỏi nhiều nhu cầu hơn, ngoài yếu tố giá rẻ.
Vi Lâm